Đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Công an

Thứ Ba, 01/10/2024, 15:19

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Bộ Công an và Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Hội đồng với chủ đề “Chuyển đổi số trong CAND”. Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong CAND -0
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo.

Đứng trước những thách thức mới, đồng thời cũng mở ra những cơ hội, động lực phát triển mới, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp tiến hành chuyển đổi số trong CAND. Quá trình chuyển đổi số không chỉ là sự lựa chọn, là xu thế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà là chiến lược quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Công an trong kỷ nguyên số. Bộ Công an cũng đã lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số trong CAND.

Với tinh thần quyết tâm đó, trong những năm qua, Bộ Công an đã đạt được nhiều kết quả, thành công nhất định trong công tác chuyển đổi số. Điển hình là: Thực hiện Đề án 06 trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; từng bước hoàn thiện pháp luật; xây dựng và triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an nhằm phục vụ hiệu quả người dân, xã hội, phòng chống tham nhũng vặt, phòng chống tội phạm và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo đảm ANTT... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai chuyển đổi số trong CAND cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tiếp tục chung tay tháo gỡ.

Hội thảo "Chuyển đổi số trong CAND" đã nhận được 82 bài tham luận của các nhà khoa học từ các bộ, ban, ngành Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương. Các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo có sự đầu tư nghiên cứu, nội dung đa dạng, phong phú, có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an trong công tác lãnh đạo, chỉ huy toàn diện các mặt công tác Công an, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số trong CAND.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong CAND -0
Thiếu tướng Vũ Hữu Tài, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo.

Đặc biệt, Hội thảo cũng đã được lắng nghe các tham luận có giá trị về cả lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo làm công tác thực tiễn như: "Chiến lược chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Thiếu tướng Vũ Hữu Tài, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; “Xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư phục vụ phục vụ công tác nghiệp vụ CAND” của Thiếu tướng TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH;  “Chuyển đổi số để xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến lên hiện đại” của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội; “Chuyển đổi số trong lực lượng quản lý xuất nhập cảnh-Kết quả và bài học kinh nghiệm” của Đại tá Vũ Văn Quân, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh; “Tội phạm lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thực hiện hành vi phạm tội, thực trạng và những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng chống” của PGS.TS Tạ Khánh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội...

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong CAND -0
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các tham luận đã tập trung đi sâu làm rõ nhận thức về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong CAND nói riêng; kinh nghiệm của một số bộ, ban, ngành và quốc tế trong chuyển đổi số và những vấn đề có thể áp dụng cho Bộ Công an; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong chuyển đổi số trong CAND; thực trạng chuyển đổi số trong CAND.

Trên cơ sở đó, các ý kiến đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong CAND như: Cần xây dựng các phần mềm khai thác CSDLQG về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu trong ngành CAND; bổ sung thông tin của công dân để làm giàu CSDLQG về dân cư nhằm tăng hiệu quả phối hợp giữa các Cục nghiệp vụ trong công tác xác minh, phát hiện, truy tìm đối tượng.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước làm sạch dữ liệu điện thoại, dữ liệu tài khoản ngân hàng; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng dụng dữ liệu dân cư nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, ứng dụng kinh nghiệm quản lý dân cư theo hướng hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới phù hợp với tinh thần thực tế tại Việt Nam...

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND ghi nhận và đánh giá cao hàm lượng khoa học và ý nghĩa thực tiễn các tham luận đăng trong kỷ yếu cũng như các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo; đồng thời khẳng định đây thực sự là tư liệu quý giúp cho Ban Tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong việc xây dựng các định hướng giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số trong CAND.

Huyền Thanh
.
.