Đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Bảy, 21/05/2022, 08:48

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố.., đã đẩy lùi được tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Sau 3 năm triển khai, hoạt động của các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm rõ rệt.

Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đấu tranh với loại tội phạm này. Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương bóc gỡ thành công. Đối tượng tham gia đều là những kẻ từng có tiền án, tiền sự.

Mới đây nhất vào ngày 14/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã triệt phá thành công ổ nhóm hoạt động tín dụng đen do đối tượng Trần Xuân Kiên (SN 1985, ở tại số 42 Lý Thánh Tông, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) điều hành. Để triệt phá thành công ổ nhóm tội phạm trên, các trinh sát và điều tra viên gặp rất nhiều khó khăn do thủ đoạn tinh vi của đối tượng gây án. Kiên là đối tượng có 1 tiền án, 1 tiền sự về hành vi đánh bạc. Trước đó, vào ngày 25/1/2017, đối tượng đã bị Tòa án nhân dân TP Hải Dương (Hải Dương), xử phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc; ngày 14/10/2016, tiếp tục bị Công an thành phố Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc.

Ban đầu, khi mở quán cầm đồ tại địa chỉ ki ốt số 14, đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, Kiên chủ yếu cho vay bằng hình thức tín chấp.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, khi khách đến vay tiền, Kiên yêu cầu người vay điền thông tin cá nhân, số tiền khách vay vào giấy vay tiền theo mẫu đã soạn sẵn và để lại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân,... để làm tin (nếu là người quen thì Kiên không yêu cầu để lại giấy tờ tùy thân). Đến đầu năm 2020, đối tượng không mở quán cầm đồ nữa nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cho vay; khi có khách hỏi vay tiền thông qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp khách vay. Kiên là người trực tiếp làm thủ tục cho vay, giao tiền cho khách vay và thu tiền lãi, tiền gốc của khách vay. Khi đến ngày trả lãi hoặc trả gốc, khách sẽ đến quán cầm đồ hoặc liên hệ gặp trực tiếp gặp Kiên để trả tiền.

Đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen” -0
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương ghi lời khai đối tượng Trần Xuân Kiên.

Từ các căn cứ thu thập được, tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức bắt giữ các đối tượng. Quá trình điều tra xác định: Khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018, Kiên thuê, mở quán cầm đồ tại địa chỉ ki ốt số 14, đường Nguyễn Trãi để hoạt động cầm đồ, cho vay tín chấp, cho vay trả góp (bát họ) để thu lãi cao, với mức lãi suất từ 1.000 đồng/triệu đồng/ngày đến 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Ngoài ra, còn có một số trường hợp cho vay với lãi suất từ 3 nghìn đồng/triệu đồng/ngày đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương mức lãi suất cho vay từ 109,5%/năm đến 365%/năm).

Từ năm 2017 đến ngày 6/5/2022, Kiên đã thực hiện 431 lượt cho vay với lãi suất từ 0 đồng đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, tổng số tiền cho vay là 21.691.000.099 đồng, đã thu 7.484.901.800 đồng tiền lãi…

Căn cứ vào các hành vi thu thập được, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Xuân Kiên về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Mới đây là đường dây do Lê Văn Hiếu (SN 1991, trú tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cầm đầu. Nguỵ tạo dưới vỏ bọc của quán cầm đồ “Anh Hiếu”, có địa chỉ tại khu vực chợ Xanh, phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, đối tượng đã cho các con nợ vay với lãi suất từ 0 đồng, 1.100 đồng, 1.500 đồng, 1.600 đồng, 2.000 đồng, 2.500 đồng, 3.000 đồng, 3.300 đồng, 4.000 đồng và 5000 đồng/triệu đồng/ngày. Trong ổ nhóm này, đối tượng sử dụng hệ thống công nghệ cao để quản lý và làm thủ tục cho vay, thu lãi, nhập dữ liệu…

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 3/4, Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành phá án. Từ đây, đã làm rõ hoạt động phạm tội của Hiếu và Phạm Minh Tuân (SN 1990, ở tại Kinh Môn).Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận bắt đầu từ năm 2017, các đối tượng đã tiến hành cho vay lãi. Từ thời điểm đó đến ngày 30/3, Hiếu, Tuân đã thực hiện 983 lượt cho người khác vay tiền với lãi suất từ 0 ngàn đồng đến 5.000 đồng/triệu đồng/ngày, tổng số tiền cho vay là hơn 15 tỷ đồng; đã thu hơn 6 tỷđồng tiền lãi. Trong đó, có 943 lượt cho vay với lãi suất từ 3.000 đồng/triệu đồng/ngày đến 5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương mức lãi suất cho vay từ 109,5% đến 182,5%/năm - vượt quá 5 lần lãi suất cao nhất do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định), với tổng số tiền cho vay là hơn 11,7 tỷ đồng, đã thu hơn 5 tỷđồng tiền lãi.

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Hải Dương có diễn biến phức tạp, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã tham mưu với Giám đốc Công an tỉnh có Kế hoạch số 438/KH-CAT(PV11-PC45), ngày 19/3/2018 về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen” và hoạt động bảo kê trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Kế hoạch số 573/KH-CAT-PC02, ngày 21/3/2019 về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12, Công an tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương xây dựng Kế hoạch số 2484/KH-UBND, ngày 26/7/2019; Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch 1689/KH-CAT-PC02 ngày 18/7/2019 về việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Kế hoạch của UBND tỉnh và của Công an tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, lực lượng có liên quan. Căn cứ kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ cơ bản; rà soát, lập danh sách các đối tượng, nhóm đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” để đấu tranh triệt phá, xử lý theo qui định.

Trong công tác tuyên truyền đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, xây dựng mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tổ dân phố tự quản…, để chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo cho vay tài chính; tháo gỡ các tờ rơi quảng cáo cho vay ở những nơi công cộng và có biện pháp xử lý hành vi quảng cáo trái pháp luật này; các đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi đổ chất bẩn, gây mất ANTT…, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại và thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyên truyền trực tiếp để quần chúng nhân dân nhận thấy rõ tác hại của “tín dụng đen”. Từ đó, có nhận thức đúng và không tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”…

Trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 12, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã chủ động phát hiện, tiếp nhận đầy đủ các tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; giải quyết triệt để các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, kiên quyết xử lý các đối tượng theo qui định của pháp luật. Kết quả, đã phát hiện khởi tố 17 vụ bằng 38 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố, xét xử 16 vụ.

Xuân Mai
.
.