Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại

Thứ Hai, 29/11/2021, 14:53

Hơn 80.000 người được nâng cao nhận thức về mua bán người, nô lệ thời hiện đại; 1,5 triệu người được tiếp cận truyền thông qua mạng xã hội; hơn 1.400 cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ; hơn 300 nạn nhân và người có nguy cơ được hỗ trợ…

Ngày 29/11, Văn phòng Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”, sau 3 năm triển khai (2018-2021).

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, với sự tham dự của đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan Chính phủ và đối tác tại 5 tỉnh/thành phố địa bàn thực hiện dự án.

Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại -0
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, chủ trì hội thảo cho biết, thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, ngày 26/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 6463/QĐ-BCA phê duyệt Dự án: “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân”. Dự án nhằm cụ thể hóa nội dung mà Chính phủ, các bộ, ngành đã cam kết triển khai, thực hiện trên 3 lĩnh vực tác động: phòng ngừa, truy tố xét xử và bảo vệ.

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nhấn mạnh, sau thời gian thực hiện dự án, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà tài trợ với các đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của 5 tỉnh, thành phố là địa bàn thụ hưởng dự án (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), đến nay, cơ bản các hoạt động của dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên cả 3 lĩnh vực tác động. 

Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại -0
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. 
Hội thảo được tổ chức để đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các hoạt động của dự án; rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng những kết quả đạt được vào công tác phòng, chống mua bán người; tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Sau 3 năm triển khai dự án, đã có hơn 80.000 người được nâng cao nhận thức về mua bán người, nô lệ thời hiện đại, 1,5 triệu người được tiếp cận truyền thông qua mạng xã hội, hơn 1.400 cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ; hơn 300 nạn nhân và người có nguy cơ được hỗ trợ…

Phát biểu tại hội thảo, bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo cho rằng, đại dịch COVID-19 có khả năng làm gia tăng nạn mua bán người. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nạn đói nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương của những nhóm yếu thế trong xã hội. Với điều kiện kinh tế ngày một sa sút, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của bóc lột lao động, bóc lột tình dục.

Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại -0
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Dự án đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận trong mỗi hợp phần: phòng ngừa, truy tố, bảo vệ. Dựa trên mối quan hệ đối tác liên ngành bền chặt, sâu sắc với các cơ quan, tổ chức cùng chung tay ngăn chặn nạn mua bán người, chúng tôi cam kết hành động để tạo ra những thay đổi dài hạn trong công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam”, bà Park nhấn mạnh.

Tiếp nối những thành công và bài học kinh nghiệm từ dự án, IOM sẽ đẩy mạnh nỗ lực hợp tác với các đối tác, hành động vì di cư an toàn, hợp pháp, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy đối thoại và sự tham gia của các bên liên quan; phát triển những lĩnh vực hợp tác mới, nhằm hỗ trợ di cư an toàn, phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện Hội đồng Anh, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam, Công an tỉnh Nghệ An, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh… cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thực hành tốt về công tác phối hợp liên ngành, các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng cũng như đề xuất phương hướng hợp tác nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao tính hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người tại các địa phương.

Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Kết thúc hội thảo, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nhấn mạnh các kết quả tích cực của dự án. Đó là các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm ngăn ngừa nhóm dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trên địa bàn các tỉnh triển khai dự án đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất đi vào cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với mục tiêu vì cộng đồng, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, dự án đã thúc đẩy hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc và thực thi pháp luật về mua bán người. Nhiều hoạt động hỗ trợ, xác minh và xác định nạn nhân, người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam… Qua đó, đã có nhiều đối tượng được trợ giúp các nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu, phát triển sinh kế…

Để thực hiện dự án hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên mong muốn IOM và các đối tác tiếp tục nghiên cứu, quan tâm và hỗ trợ các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (ngày 30/7) tại Việt Nam. Nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh tổ chức đào tạo, tập huấn chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm… với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong phòng, chống mua bán người.

Vũ Linh
.
.