Dấu ấn Tổ công tác đặc biệt 238
Sau 6 tháng hoạt động, Tổ công tác đặc biệt 238 Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ, xử lý 726 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, lập biên bản xử phạt gần 4.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT… góp phần răn đe mạnh mẽ các loại đối tượng, kiềm chế tình hình tội phạm trên địa bàn.
Trước những diễn biến tiềm ẩn phức tạp của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm đường phố nói riêng, để chủ động triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự công cộng, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên các tuyến, khu vực trọng điểm, từ tháng 12/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai hoạt động Tổ công tác đặc biệt 238 (Tổ công tác 238) trên địa bàn.
Tổ công tác 238 gồm 85 cán bộ, chiến sĩ được thành lập trên cơ sở phối hợp các lực lượng Cảnh sát hình sự, giao thông, ma túy, cơ động và Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh (113). Trong quá trình hoạt động, Tổ công tác 238 đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và pháp luật; tổ chức thành các tổ công tác hóa trang và công khai, thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn, khu vực trong điểm, tập trung phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội, tàng trữ vũ khí, hung khí, công cụ hỗ trợ, pháo, hàng cấm, ma túy; tội phạm đường phố, vi phạm trật tự ATGT có tính chất gây rối. Qua đó, góp phần răn đe, trấn áp, phòng ngừa các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Với phương châm không có "vùng cấm", trong quá trình hoạt động Tổ công tác 238 Công an Hà Tĩnh đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tạo tính răn đe; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định pháp luật.
Qua gần 6 tháng triển khai (từ 15/12/2022 đến nay), Tổ công tác đã phát hiện bắt giữ 8 vụ, 12 đối tượng phạm tội, trong đó 4 vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, 3 vụ tàng trữ pháo trái phép và 1 vụ nhập cảnh trái phép. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các vụ mâu thuẫn xô xát tại nơi công cộng; bắt giữ, xử lý 726 trường hợp thanh, thiếu niên, đối tượng trọng điểm tàng trữ công cụ hỗ trợ, sử dụng xe máy độ chế, không biển kiểm soát, lạng lách, đánh võng với tốc độ cao, "nẹt pô", sử dụng trái phép chất ma túy… là các hành vi gây nhức nhối trong thời gian qua, góp phần răn đe mạnh mẽ các hệ loại đối tượng, kiềm chế tình hình tội phạm trên địa bàn. Quá trình xử lý, lực lượng Công an đã thông báo các trường hợp vi phạm về cơ quan, gia đình, nhà trường và địa phương nơi cư trú của người vi phạm.
Đặc biệt, trên lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, trong thời gian 6 tháng, Tổ công tác 238 đã phát hiện, lập biên bản 3.718 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Các hành vi bị xử lý chủ yếu vi phạm nồng độ cồn, ma túy; thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định. Theo Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh thì việc triển khai mô hình hoạt động Tổ công tác 238 phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đảm bảo ANTT, đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình hiện nay. Hoạt động hiệu quả của tổ công tác đã góp phần kiềm chế, làm giảm tội phạm, tai nạn giao thông, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn. Tổ công tác dần trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.
Không chỉ đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, Tổ công tác còn có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên nhận thức được hành vi chưa chuẩn mực, thậm chí là vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia giao thông để từ đó giúp họ không tái phạm.
Trung tá Phạm Duy Thành, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt 238 cho biết thêm, từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm đường phố, Tổ công tác đã có ý kiến đến một số ban, ngành, địa phương như Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT cho học sinh, sinh viên gắn với xây dựng nền tảng ý thức xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn, hạn chế các tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng xã hội. Đồng thời, kiến nghị Sở Thông tin Truyền thông tăng cường kiểm soát, kiểm duyệt các nội dung xấu độc trên môi trường mạng, hạn chế các thông tin, hình ảnh, clip xấu độc nhằm góp phần loại bỏ các điều kiện của tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngoài việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới, trong đó cần tập trung tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa tác hại của rượu bia và các chất kích thích nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa đoàn thể, gia đình, nhà trường, tổ liên gia và cơ quan chức năng trong quản lý, giáo dục các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm.