Đánh giá kết quả của Công an các đơn vị, địa phương từ chỉ số cải cách hành chính
Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND để tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Dự thảo Thông tư gồm 4 chương 26 điều; quy định tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND, bao gồm: nguyên tắc quy định tiêu chí cải cách hành chính; tiêu chí khung cải cách hành chính, tiêu chí cải cách hành chính cụ thể của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thang điểm, mức điểm, kỳ đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính; phương pháp, hồ sơ xác định chỉ số cải cách hành chính; thẩm định, xếp loại, phê duyệt, công bố và sử dụng kết quả chỉ số cải cách hành chính trong CAND.
Đối tượng áp dụng là các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương); cán bộ, chiến sĩ CAND và cá nhân, tổ chức có liên quan đến xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND.
Cùng với đó, dự thảo Thông tư quy định về 8 tiêu chí khung và các tiêu chí cụ thể về cải cách hành chính của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thang điểm đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính tối đa là 100 điểm. Trong đó, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ không có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức: tự đánh giá tối đa 100 điểm. Đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức: tự đánh giá tối đa 80 điểm; đánh giá qua điều tra xã hội học, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công: tối đa 20 điểm.
Đối với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: tự đánh giá tối đa 75 điểm; đánh giá qua điều tra xã hội học, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công: tối đa 13 điểm; đánh giá qua việc lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành có liên quan ở địa phương: tối đa 7 điểm.
Về nội dung xếp loại, công bố và sử dụng kết quả chỉ số cải cách hành chính, dự thảo Thông tư quy định theo hướng căn cứ kết quả thẩm định chỉ số cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp dự thảo và trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phê duyệt chỉ số cải cách hành chính trong CAND với các mức xếp loại như sau:
Tổng số điểm đạt được từ 95 điểm trở lên, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 95% trở lên: xếp loại xuất sắc; tổng số điểm đạt được từ 80 điểm đến dưới 95 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 80% đến dưới 95%: xếp loại tốt; tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 80 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 70% đến dưới 80%: xếp loại khá; tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính từ 50% đến dưới 70%: xếp loại hoàn thành nhiệm vụ (loại trung bình); tổng số điểm đạt được dưới 50 điểm, tương ứng với chỉ số cải cách hành chính dưới 50%: xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ (loại yếu).
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định về điểm thưởng và điểm phạt; điểm thưởng là số điểm được cộng thêm vào tổng điểm thẩm định trước khi xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND. Tiêu chí điểm thưởng gồm: Tổ chức tự xác định điểm chỉ số cải cách hành chính chặt chẽ, chính xác và báo cáo Bộ Công an đúng thời gian quy định: 1 điểm; có những cách làm đột phá trong công tác cải cách hành chính, được dư luận đánh giá cao: 1 điểm.
Điểm phạt là số điểm phải trừ đi từ tổng điểm thẩm định trước khi xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND. Tiêu chí điểm phạt gồm: Thiếu quan tâm đến công tác cải cách hành chính, để xảy ra tình trạng trì trệ, không đổi mới, không tiến bộ hoặc có nhiều đơn vị trực thuộc thực hiện công tác cải cách hành chính yếu, bị dư luận phê phán: 1 điểm.
Có đơn thư tố cáo, kiến nghị, ý kiến góp ý hay tin, bài trên các phương tiện thông tin về thái độ, hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà được cơ quan có thẩm quyền xác minh nội dung phản ánh là đúng sự thật hoặc để xảy ra sai sót trong quá trình xử lý công việc làm ảnh hưởng đến uy tín của CAND: 1 điểm.
Ngoài ra, việc sử dụng kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính trong CAND làm tiêu chí trong đánh giá, bình xét và tính điểm phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc hằng năm và quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong xác định chỉ số cải cách hành chính.
Bộ Công an đã công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND năm 2021. Theo đó, mức độ hài lòng chung về sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND ở mức cao, đạt 97,96%. Như vậy, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành Công an đã đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ đề ra.