Đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở hồ Ba Bể

Thứ Hai, 11/04/2022, 09:55

Bắt đầu từ 1/1, Nghị định số 139 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chính thức có hiệu lực.

Theo đó, nhiều lỗi vi phạm sẽ bị tăng nặng mức xử phạt. Bước vào mùa du lịch và nhất là chuẩn bị các dịp nghỉ lễ, lượng khách đến du lịch tại hồ Ba Bể có xu hướng tăng cao. Lực lượng CSGT Công an huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa.

Tuyến đường thủy nội địa sông Năng - hồ Ba Bể chia thành 2 nhánh và 4 bến tạm gồm bến bờ Bắc, bờ Nam, Buốc Lốm và bến Kéo chiều dài hơn 29km. Mỗi ngày có hơn 150 lượt các phương tiện thuyền, xuồng lưu thông qua đây.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở hồ Ba Bể -0
Lượng khách đến du lịch tại hồ Ba Bể có xu hướng tăng cao.

Ngoài việc sử dụng xuồng máy để chở khách thăm quan trên hồ, người dân địa phương thường sử dụng thuyền sắt, thuyền gắn máy công suất nhỏ, thuyền độc mộc đi lại giữa hồ Ba Bể, dọc sông Năng để đi làm nương rẫy, chở thóc lúa, nông sản, đánh bắt cá... thậm chí còn tự chế tạo những chiếc bè, mảng đơn sơ, thiếu an toàn làm phương tiện lưu thông trên sông nước. Do đó, để đảm bảo an toàn, các chủ phương tiện, khách du lịch và người dân cần tuân thủ các quy định của luật giao thông đường thủy nội địa.

Anh Lý Văn Minh, thôn Nặm Dài, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn  cho biết: "Có lúc nhớ thì bản thân tự giác chấp hành, có lúc cũng quên vì ít khi đi, được chủ xuồng nhắc nhở phải mặc áo phao, sau khi nhắc nhở thì mặc áo phao để đảm bảo an toàn cho bản thân mình".

Thượng úy Triệu Đức Phùng, cán bộ Đội CSGT, trật tự, Công an huyện Ba Bể cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khu vực hồ Ba Bể, tuyến sông Năng, chủ yếu là ở hồ Ba Bể, người dân tham gia di chuyển phương tiện từ bến Bờ bắc sang bến Bờ nam. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, gửi văn bản phối hợp với lực lượng Công an xã, trực tiếp xuống nhắc nhở các chủ xuồng luôn phải mặc áo phao, mang đồ cứu sinh, khi điều khiển phương tiện di chuyển trên hồ.

Tai nạn giao thông đường thủy thường xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức chuyên môn, hiểu biết về Luật Giao thông đường thủy còn hạn chế. Vì vậy, không chỉ có sự vào cuộc của lực lượng CSGT mà mỗi người dân hãy tự trang bị kiến thức cho mình, đồng thời xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” bằng chính hành động chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa mỗi khi tham gia giao thông. Chỉ khi nào mỗi chủ phương tiện và hành khách tự giác chấp hành các quy định, thay vì chỉ để đối phó với lực lượng chức năng thì công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mới thực sự phát huy hiệu quả.                                         

Ngọc Anh
.
.