Đảm bảo an ninh kinh tế, góp phần phát triển bền vững tỉnh Sơn La
Lực lượng An ninh kinh tế Công an Sơn La đã có những quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo để đem lại hiệu quả cao không chỉ trong công tác bảo đảm ANTT mà còn phải tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
70 năm trôi qua từ khi Bộ Công an ban hành Nghị định số 74/NĐ-CA quy định tổ chức Công an các cấp, trong đó có “Phòng Trinh sát II” với nhiệm vụ: “Điều tra khám phá các hoạt động do thám, phản động trong vùng tự do, bảo vệ kinh tế, chống âm mưu phá hoại của địch”. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự hình thành của lực lượng trinh sát bảo vệ kinh tế từ Trung ương đến các địa phương.
Cùng với lực lượng An ninh kinh tế cả nước, tại Sơn La, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, giai đoạn 1953-1954, Ty Công an Sơn La vừa ổn định tổ chức, củng cố xây dựng lực lượng, vừa triển khai các mặt công tác trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, tập trung ưu tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong hoàn cảnh đó, Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ - Ty Công an Sơn La (tiền thân của Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế và Phòng Bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng) được thành lập và nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phối hợp với các lực lượng bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm an toàn cho việc điều quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các tuyến đường được Ban Chỉ huy chiến dịch phân công.
Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, của ngành Công an, để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ công tác, Phòng An ninh kinh tế đã nhiều lần tách, nhập, thay đổi tên gọi, số hiệu và điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn mô hình tổ chức cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự nói chung, bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, với tên gọi nào, lực lượng An ninh kinh tế, Công an Sơn La cũng luôn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, công tác nghiệp vụ, bảo đảm tốt an ninh kinh tế trên các tuyến, lĩnh vực được giao.
Theo Trung tá Lưu Thái Quang, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La: Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế luôn đặt ra cho lực lượng An ninh kinh tế Công an Sơn La nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải có những quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo để đem lại hiệu quả cao không chỉ trong công tác bảo đảm ANTT mà còn phải tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với phương châm: “An ninh chủ động”, “Phát triển phải đi đôi với bảo vệ kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia”, trong những năm gần đây, với vai trò là đơn vị chủ công, Phòng An ninh kinh tế đã chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo đảm ANTT, bảo đảm an ninh kinh tế.
Trước tình hình tội phạm về kinh tế diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức, cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh kinh tế đã luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, ngày đêm bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu lãnh đạo các cấp về các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La cho biết: Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2018, Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát hiện, thu giữ 1.385 tờ tiền giả, với tổng số tiền hơn 632 triệu đồng. Phát hiện một số hoạt động tín dụng phức tạp trên địa bàn tỉnh, cụ thể đã phát hiện các sơ hở, yếu kém trong quản lý dự án tài chính vi mô (các chương trình triển khai tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; chương trình tín dụng tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phù Yên và Thuận Châu). Các chương trình, dự án tài chính vi mô trên đang hoạt động với lịch sử nguồn gốc vốn ban đầu từ các chương trình viện trợ 6 của các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, dẫn tới công tác tổ chức, quản lý vận hành các dự án còn nhiều bất cập.
Trong hoạt động tín dụng nội bộ hợp tác xã, những hạn chế, sơ hở của các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Công an tỉnh đã có Công văn gửi Cục An ninh kinh tế kiến nghị Cục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngành liên quan nghiên cứu, thống nhất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để đưa hoạt động “tín dụng nội bộ hợp tác xã” thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và góp phần thực hiện đầy đủ các quyền của Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012, đồng thời đảm bảo tình hình an ninh tài chính tiền tệ, an ninh trật tự tại địa phương.
Lực lượng An ninh kinh tế đã trực tiếp tiến hành công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ; chống địch thâm nhập, cài cắm nội gián; phá hoại nội bộ, phá hoại kinh tế, thông qua các hoạt động kinh tế tác động chuyển hóa chính trị; loại trừ nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế để bảo vệ đường lối, chính sách phát triển kinh tế trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng, nguyên tử, đầu tư, tài chính, ngân hàng, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, phát triển nông thôn và doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia và trực tiếp tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và an ninh kinh tế trên các địa bàn, mục tiêu, tổ chức, lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật.
“Từ năm 2020 đến nay, lực lượng An ninh kinh tế đã phát hiện 34 vụ việc; đã tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc chuyển Cơ quan an ninh điều tra khởi tố 3 vụ. Báo cáo Ban Giám đốc kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền 6 vụ; tham mưu Ban Giám đốc báo cáo Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an 1 vụ. Tham mưu Ban Giám đốc chuyển các sở, ngành của tỉnh xử lý theo thẩm quyền 17 vụ; chuyển các đơn vị Công an tỉnh 10 vụ. Phòng An ninh kinh tế đã lập 1 chuyên án trinh sát và đấu tranh thành công; tham mưu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, giải quyết 2 vụ công nhân ngừng việc tập thể tại Khu công nghiệp Phù Yên, 2 vụ khiếu kiện đông người liên quan chế độ bảo hiểm của người lao động” – Thượng tá Kiên thông tin thêm .
Với những thành tích đã đạt được, Phòng An ninh kinh tế, Công an Sơn La vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng bằng khen, giấy khen. Đơn vị 8 năm liền đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; 4 năm được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an; 2 năm được nhận Cờ thi đua của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Những thành tích và chiến công đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an Sơn La anh hùng.