Cục Truyền thông CAND tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình, Phát thanh CAND lần thứ XIV – 2024, sáng nay 20/10, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND (Bộ Công an) dẫn đầu đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma bên bờ biển Đông ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Đoàn đại biểu gồm Ban Tổ chức Liên hoan Truyền hình, Phát thanh CAND lần thứ XIV, Công an tỉnh Khánh Hòa và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ (CBCS), phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình đến từ 75 đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND tham gia Liên hoan.
Sau khi dâng hoa, dâng hương tại cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa và thắp hương trong khu mộ gió, đoàn đại biểu đã tham quan bảo tàng ngầm - nơi lưu giữ các những hình ảnh, kỷ vật của các anh hùng, liệt sĩ và tìm hiểu về sự hy sinh anh dũng của 64 CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam trên cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao giữa tháng 3/1988.
Hơn 36 năm về trước, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, máu của những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở Trường Sa đã đổ xuống trong trận hải chiến ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma. Dù mất mát, hy sinh, nhưng những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường bám đảo, chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng. Trong trận hải chiến đó, 64 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại ở biển Đông, máu của của các anh đã hòa quyện vào biển cả, tạo thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sự kiện Gạc Ma là một trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc như một dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Sự hy sinh cao cả của CBCS hải quân trong trận chiến Gạc Ma là bài học lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường dành cho các thế hệ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sau sự kiện đó, bộ phim tài liệu “ Trường Sa tháng 4 năm 1988” do cố NSND Lê Mạnh Thích làm đạo diễn đã được sản xuất và tái hiện chân thực, đậm nét với những hình ảnh xúc động về người lính Trường Sa.
36 năm trôi qua, mỗi chuyến tàu đưa các đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa đều đi qua vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao để thả những vòng hoa trên biển, kính cẩn tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh ở Trường Sa. Năm 1989, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đối với tập thể CBCS tàu HQ-505 của Lữ đoàn 125 Hải quân cùng 2 CBCS Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh và 3 liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương.
Để tưởng nhớ và tri ân 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma, giữa tháng 3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa khởi công xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên diện tích 25.000m2 với cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” và biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được ví như trái tim của khu tưởng niệm được hình thành từ gần 300 tấn đá granite, trong đó có nhóm nhân vật tạo hình liền khối từ tảng đá hơn 14 tấn là hình tượng những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam với dáng đứng hiên ngang bất khuất dưới ngọn cờ Tổ quốc tung bay trước gió, tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước từ phía biển Đông.
Bên cạnh đó là Bảo tàng ngầm lưu giữ những hiện vật, câu chuyện, hình ảnh về cuộc đời và gia đình của những CBCS đã chiến đấu trên đảo Gạc Ma và Quảng trường Hòa Bình có khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ gắn bia ghi danh họ, tên, địa chỉ từng người cùng với không gian sinh thái cây xanh, thảm cỏ…
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là công trình văn hóa, lịch sử, mà còn là một địa chỉ đỏ về nguồn để tham quan, tìm hiểu lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống kiên cường, bất khuất cho các thế hệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, UBND tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Trường Sa trên diện tích hơn 17.000m2, tiếp giáp với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.