Công an xã đồng loạt ra quân ngăn chặn nạn săn bắt chim trời
Chỉ trong 3 ngày (từ 15 đến 17/9), Công an các xã: Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Trì và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã tháo gỡ, tiêu hủy hơn 1.200 chim mồi bằng phao xốp, 6.500 que dính nhựa cùng nhiều tấm lưới để săn bắt trái phép chim trời.
Ngày 17/9, Công an các xã: Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Trì và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tiếp tục ra quân ngăn chặn nạn săn bắt chim trời về trú ẩn ở các cánh đồng khi thời tiết giao mùa.
Hằng năm, cứ đến cuối tháng 8 âm lịch, các loài chim như: cò, vạc, cói… lại đến mùa di cư và cũng vào thời gian này, trên những cánh đồng lúa chạy dọc theo tuyến QL1A qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, các đối tượng đã giăng hàng nghìn con chim giả được làm bằng phao xốp trắng cả cánh đồng để bẫy chim trời.
Những năm gần đây, huyện Phú Lộc đã có nhiều biện pháp để xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm giữ gìn môi sinh, trả lại cân bằng sinh thái trong tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Công an xã Lộc Tiến cho biết, những ngày này, Công an xã liên tục ra quân truy quét, tháo gỡ, tiêu hủy các dụng cụ dùng để bẫy, săn bắt các loại chim trời trái phép. Đồng thời, Công an xã cũng đã xác minh một số đối tượng giăng bẫy, qua đó vận động, tuyên truyền và nếu tái phạm sẽ có hình thức xử lý.
Chỉ trong 3 ngày (từ 15 đến 17/9), Công an các xã, thị trấn nói trên đã tháo gỡ, tiêu hủy hơn 1.100 chim mồi bằng phao xốp, 6.500 que dính nhựa cùng nhiều tấm lưới để săn bắt trái phép chim trời.
Được biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, có mức phạt rất cao, từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức các địa phương; tổ chức, đơn vị sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, chim trời.