Công an xã biên giới cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ làm lại cuộc đời

Thứ Ba, 20/08/2024, 08:32

Nằm dọc theo tuyến đường biên giới dài gần 20km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, các xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An luôn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu lợi dụng tìm cách “giăng bẫy” lừa những thanh niên vào con đường nghiện hút, sau đó buộc họ phải thực hiện các hoạt động phạm pháp, cõng hàng lậu qua biên giới cho chúng để đổi lấy ma túy sử dụng.

Để tuyến biên giới được bình yên, Công an các xã ngoài việc tập trung đấu tranh với các đối tượng chuyên cung cấp ma túy còn rà soát, lập danh sách đối tượng nghiện hút để vận động, hướng dẫn đi cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công trở về thì giới thiệu việc làm phù hợp để tránh tái nghiện; riêng những trường hợp mãn hạn tù được Công an giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách để làm ăn, buôn bán, ổn định cuộc sống.

cam hoa 1.jpg -0
Công an ba xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra phòng, chống tội phạm tuyến biên giới.

Thiếu tá Cao Văn Vũ, Trưởng Công an xã Mỹ Thạnh Tây kể về thanh niên Trần Anh Duy (SN 1990, ở cùng xã), trước đây, Duy bị kẻ xấu dụ dỗ rồi sa đà vào con đường nghiện hút ma túy và nhanh chóng nướng sạch chút tài sản mà cha mẹ cậu dành dụm trong hơn chục năm làm ruộng. Đến khi gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn thì Duy đi cõng hàng cấm cho cánh đầu nậu để đổi lấy những giây phút sống trong ma ảo của ma túy.

Biết chuyện, Thiếu tá Cao Văn Vũ cùng anh em trong Công an xã đã tiếp cận, động viên, chia sẻ, giúp đỡ, giải thích về tác hại của ma túy và hướng dẫn gia đình đưa Duy đi cai nghiện. Lúc đầu cậu ta không chấp nhận, luôn tìm cách trốn tránh mỗi khi phát hiện có anh em Công an tiếp cận, nhưng với sự kiên trì thuyết phục, đả thông tư tưởng, cuối cùng Duy đã hiểu chỉ có con đường cai nghiện mới có thể cứu vớt được cuộc đời và đồng ý vào trung tâm cai nghiện. 

Năm 2022, nhận được thông tin Duy cùng 3 trường hợp khác đã hoàn thành tốt chương trình cai nghiện trở về địa phương, Thiếu tá Cao Văn Vũ cùng các cán bộ Công an trong xã lập tức xuống tận nhà gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe họ trải lòng. Biết nguyện vọng của cả 4 người, Thiếu tá Cao Văn Vũ cùng anh em lập tức liên hệ với những công ty sản xuất tại địa phương rồi giới thiệu họ vào làm công nhân.

Cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên chân thành của Công an xã và các ban ngành địa phương, Duy đã quyết tâm phấn đấu xa rời “cái chết trắng”, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể tại địa phương và học, thi được giấy phép lái xe để hàng ngày ngoài vận hành xe ôtô tải chở hàng cho công ty nơi làm việc, còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi phụ giúp gia đình làm ruộng và tuần tra đảm bảo ANTT xóm, ấp.

Không chỉ giúp đỡ người sau cai nghiện, hiện Công an xã Mỹ Thạnh Tây còn đang quản lý 21 trường hợp vi phạm pháp luật ở những nơi khác, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương sinh sống. Nhằm giúp đỡ những trường hợp này, Công an xã đã xây dựng kế hoạch để UBND xã phân công các hội, đoàn thể cùng phối hợp thường xuyên đến vận động, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục và tạo điều kiện giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Hiện tất cả 21 trường hợp này đều có việc làm ổn định, có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Tương tự, tại xã Mỹ Quý Đông, Trung tá Nguyễn Hoài Nhân, Trưởng Công an xã cho biết, nhiều trường hợp sau khi mãn hạn tù trở về địa phương được giúp đỡ có công ăn, việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình trở nên khá giả.

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Tâm (SN 1994, ngụ ấp 5) kể rằng, trước đây, vì nghe theo lời đường mật của một số đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu nên Tâm đã nhận lời đi xách hàng cấm qua biên giới tuồn vào nội địa. Khi bị cơ quan Công an bắt quả tang thì bọn “đầu nậu” khóa số liên lạc, Tâm không thể chứng minh mình chỉ là người làm thuê nên bị khởi tố, sau đó bị phạt án tù.

Đầu năm 2022, Tâm thi hành xong án tù, trở về địa phương trong tâm trạng sợ hàng xóm láng giềng khinh khi, người đời xa lánh, rồi còn không biết làm gì kiếm sống... Đang trong lúc hoang mang nhất thì Trung tá Nguyễn Hoài Nhân dẫn đầu đoàn cán bộ Công an xã tìm đến động viên, chia sẻ, tặng quà, nhu yếu phẩm. Mấy ngày sau, anh còn dắt Tâm ra buổi sinh hoạt văn hóa giới thiệu và đề nghị bà con gần gũi, giúp đỡ để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

“Được mọi người dang rộng vòng tay, em rất phấn khởi, tự nguyện tham gia tất cả các phong trào của đoàn, hội do địa phương tổ chức và đó cũng là động lực giúp em quyết tâm làm lại cuộc đời. Thời gian sau, em còn được anh Nhân đưa vào danh sách đề nghị được hỗ trợ rồi giới thiệu cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện làm vốn sản xuất. Đến nay em đã xuất chuồng được mấy lứa heo thịt, hơn chục con bò và hiện vẫn còn một đàn hơn hai chục con các loại trong chuồng, một ao cá, mấy công ruộng trồng tỉa đem lại nguồn thu nhập ổn định nuôi cả gia đình… Em cảm ơn anh Nhân và cán bộ Công an xã, các ban ngành trong xã và bà con đã mở rộng vòng tay cứu giúp cuộc đời em…”- anh Tâm chia sẻ.

cam hoa 2.jpg -1
Kinh tế gia đình anh Trần Minh Khá đã ổn định sau khi được hỗ trợ vay vốn để mở cửa hàng tạp hóa.

Trường hợp Trần Minh Khá (SN 1994, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Đông), khi còn đang học phổ thông, Khá đã gia nhập nhóm thanh niên hư hỏng, tập tành ăn chơi sa đọa và chỉ ít thời gian sau đó đẩy kinh tế gia đình đến bờ vực khánh kiệt. Cha mẹ, người thân tìm cách khuyên can, nhưng Khá không những không nghe mà còn tỏ thái độ bất cần, rồi sau đó nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu tập tành hút hít ma túy và để có tiền thỏa những cơn phê, Khá phải đi xách hàng cấm cho đám đầu nậu ở bên kia biên giới.

Sau vài lần bị Công an địa phương xử phạt vi phạm hành chính, Khá lên kế hoạch cõng lô hàng cấm lớn, nhưng đã bị bắt quả tang khi vừa tuồn qua biên giới định đưa vào nội địa và phải nhận án tù giam. Năm 2022, khi vừa được tha tù trở về địa phương, Khá lập tức đi tìm gặp đám bạn bất hảo lúc trước, nhưng trên đường đi thì gặp tổ tuần tra đảm bảo ANTT do Trung tá Nguyễn Hoài Nhân, Trưởng Công an xã dẫn đầu.

Biết Khá vừa trở về sau cải tạo, Trung tá Nhân cùng các Công an viên nhẹ nhàng tiếp cận, kéo cậu vào quán nước ven đường trò chuyện. Lúc đầu, nói gì Khá cũng không hưởng ứng, hỏi gì cũng không trả lời, nhưng đến khi các anh nhắc đến chuyện vợ và cha mẹ phải cực khổ ngày đêm làm đủ mọi công việc mà phải nhịn ăn, bớt mặc để dành tiền trả nợ mà Khá gây ra trước đó thì cậu ta mới gục mặt  xuống, hai tay ôm đầu.

Nhận thấy cách cảm hóa này đã phát huy tác dụng, những ngày sau đó, Trung tá Nhân và anh em trong Công an xã thay phiên nhau tiếp cận động viên, chia sẻ, giáo dục, cảm hóa, thuyết phục Khá tham gia sinh hoạt tại các hội, đoàn thể. Những buổi sinh hoạt đã dần giúp Khá hiểu ra rằng cuộc đời không có sự bất công như suy nghĩ tiêu cực của bản thân trước đó mà xung quanh là tình thân ái, sự quý mến, tôn trọng lẫn nhau, không có sự phân biệt và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và đây cũng là động lực để Khá quyết tâm làm lại cuộc đời.

Sau đó Khá được Công an xã đưa vào danh sách ưu tiên hỗ trợ và được duyệt vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện để mở một tiệm tạp hóa và cải tạo đất ruộng trồng lúa. Đến nay, gia đình Khá không chỉ trả được tiền vốn vay ngân hàng, tạo cuộc sống ổn định mà còn tích cóp được số tiền để làm vốn lưu động…

Theo Thượng tá Lê Bảo Hùng, Trưởng Công an huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, ngoài công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu thì công tác giúp đỡ người sau cai nghiện, người mãn hạn tù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định để không nghiện hút, tái phạm trở lại là một phần quan trọng trong chương trình, hành động của toàn đơn vị.

Trong thời gian qua, các đội nghiệp vụ trong Công an huyện, Công an các xã (đặc biệt là các xã biên giới) đã làm rất tốt công tác quản lý người nghiện, người sau cai nghiện và người mãn hạn tù để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, qua đó mỗi đơn vị đã hướng dẫn, giúp đỡ hàng chục trường hợp hòa nhập nhanh với cộng đồng và giới thiệu việc làm giúp họ ổn định kinh tế gia đình. Ngoài ra, mỗi xã cũng tiếp nhận một trường hợp cháu bé thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi và đóng góp hỗ trợ số tiền 500.000đồng/cháu/tháng.

Đức Cương
.
.