Công an xã “4 cùng” với người dân giữ vững an ninh, trật tự vùng biên giới
Thời gian qua, lực lượng Công an các xã miền núi thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện nhiều mô hình nhằm lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ). Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã đã tích cực học tiếng dân tộc Pa Cô để giao tiếp và thực hiện “4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giữ vững ANTT vùng biên giới.
Hồng Kim là một xã miền núi của huyện A Lưới có hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống. Phần lớn người dân đều dựa vào nghề làm nương rẫy, trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng để phát triển kinh tế. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ của lực lượng Công an xã Hồng Kim đã giúp người dân ở xã miền núi nơi đây nỗ lực lao động, sản xuất để từng bước thoát nghèo.
Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh, Phó trưởng Công an xã Hồng Kim cho biết, do cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, bà con ở địa phương có một số tập tục được truyền từ đời này sang đời khác nên muốn thay đổi nhận thức của người dân không phải là câu chuyện dễ dàng. Thấu hiểu được điều này, cùng với việc nắm bắt rõ phong tục, tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn xã nên thời gian qua, chị đã cùng với đồng đội thường xuyên đến nhà người dân, tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật, qua đó vận động người dân cùng tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. “Để có thể trò chuyện và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, các CBCS Công an xã đều phải học và nói thành thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng của người Pa Cô. Qua đó lực lượng Công an xã đã thực hiện phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số” với người dân địa phương”, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh chia sẻ.
Nhờ thực hiện phương châm “4 cùng” nên tại địa bàn xã Hồng Kim, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, thứ 4 và các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm thiểu đáng kể. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền vận động của lực lượng Công an xã cùng chính quyền địa phương, nhiều hộ dân ở Hồng Kim đã tình nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng trường học. Như cách đây không lâu, 12 hộ dân ở thôn A Tia 2 và Đút 1, xã Hồng Kim đã tự nguyện hiến đất phục vụ dự án mở rộng Trường Mầm non Sơn Ca. Ngoài ra, gần 50 hộ dân khác ở xã Hồng Kim đã tự nguyện hiến gần 3.200m2 đất, trong đó có nhiều hộ hiến đất trồng lúa, đất sản xuất, đất ở… để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Khe Bùn của xã. Nhờ vậy nên hiện tuyến đường này đã được mở rộng khang trang sạch đẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ phát triển sản xuất.
Tại địa bàn xã Đông Sơn, huyện A Lưới, nhiều năm trở lại đây, lực lượng Công an xã cũng đã thực hiện nhiều mô hình hay để lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, cùng huy động sức dân vào công tác giữ gìn ANTT địa bàn. Trong đó, phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số” được Công an xã Đông Sơn tiếp tục duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo chân Đại úy Lê Khánh Long, Phó trưởng Công an xã Đông Sơn và Trung úy Hồ Thành Yến, Cảnh sát khu vực phụ trách thôn Ka Vá đến thăm gia đình chị Đào Thị Hảo (người dân tộc Pa Cô ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn), chúng tôi mới hiểu thêm phần công việc vất vả của những cán bộ Công an làm nhiệm vụ ở địa bàn miền núi. Bên trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố của gia đình chị Hảo, Đại úy Lê Khánh Long và Trung úy Hồ Thành Yến đã thăm hỏi về cuộc sống của gia đình chị Hảo, kết quả thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân vừa qua và tình hình ANTT ở thôn bản. Chị Hảo cho biết: “Mỗi tuần, các đồng chí Công an xã đều ghé đến thăm nhà nhiều lần. Nhờ được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động nên người dân ở thôn Ka Vá đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tình trạng thanh, thiếu niên gây gổ đánh nhau, tụ tập cờ bạc, vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều giảm thiểu đáng kể. Người dân luôn ghi nhớ lời căn dặn của các đồng chí Công an như chăm chỉ lao động, không sinh đẻ vượt kế hoạch để nuôi dạy con cái được tốt hơn…”.
Bà Đặng Thị Thon, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Sơn khẳng định, bằng sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc cùng với việc tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng, lực lượng Công an xã Đông Sơn đã giải quyết rất nhiều vụ việc phát sinh từ cơ sở. Nhờ phương châm “4 cùng” nên người dân ở các thôn bản ngày càng tin yêu, quý trọng và tin tưởng vào lực lượng Công an xã. Hễ có việc gì khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ, nhất là khi xảy ra các vụ việc liên quan đến ANTT thì người dân đều nhanh chóng báo tin đến Công an xã để được giải quyết kịp thời. Đặc biệt qua công tác tuyên truyền của lực lượng Công an nên ngày càng có nhiều người dân tham gia vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo” và mô hình “Dòng họ phòng, chống ma túy”.
Thượng tá Lại Phước Lợi, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết thêm, thông qua những mô hình hay, cách làm sáng tạo cùng với thực hiện phương châm “4 cùng” nói trên nên lực lượng Công an các xã thuộc địa bàn huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT địa bàn. Công an các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa ngày càng được người dân tin yêu, được người dân cung cấp nhiều nguồn tin giá trị trong công tác phòng, chống tội phạm, đã giải quyết tốt các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh đó, Công an các xã đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình như “Liên kết các dòng họ phòng, chống ma túy”; “Đoàn Thanh niên phòng, chống ma túy”; “Tổ tự quản phòng, chống ma túy tuyến biên giới Việt - Lào”. Các mô hình này tập hợp các dòng họ, các khu dân cư, người có uy tín tại các thôn, bản tích cực thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả đề án “Chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới và tăng cường công tác phòng, chống ma túy xâm nhập tuyến biên giới Việt – Lào trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.