Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế
Sáng 16/12, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế thành phố tổ chức Hội thảo Tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế (CSYT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng, TS. Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung các bệnh viện (BV), CSYT hàng đầu của cả nước nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân với 13 BV trực thuộc Trung ương và các bộ, ban ngành; 32 BV đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố, 19 BV đa khoa tuyến quận, huyện và TP Thủ Đức; 58 BV tư nhân; 6.300 phòng khám chuyên khoa, đa khoa và 5 trung tâm chuyên ngành, y tế dự phòng. Chính vì vậy, công tác đảm bảo ANTT tại các CSYT luôn được chú trọng nhằm đem lại sự an toàn cho các CSYT nói chung và cho người dân nói riêng.
Thực hiện Quy chế phối hợp số 07/QCPH-CATP-SYT ngày 21/3/2014 giữa Công an thành phố và Sở Y tế thành phố về công tác đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố, việc phối hợp giữa hai đơn vị được duy trì thường xuyên, chặt chẽ.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT, tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các BV, CSYT tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã và đang là điều kiện làm nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất ANTT như: Trộm cắp, bắt cóc trẻ em, bảo kê, “cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh…
Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Qua rà soát, thống kê các vụ việc mất ANTT nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố trong thời gian từ năm 2017 đến nay ghi nhận 341 vụ việc, cụ thể: 2 vụ giết người; 6 vụ cố ý gây thương tích; 244 vụ gây rối trật tự công cộng; 13 vụ đối tượng “cò mồi” dịch vụ khám chữa bệnh gây rối trật tự công cộng; 59 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức; 7 vụ hủy hoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản; 8 vụ đòi nợ.
Ngoài ra, do lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận đổ về thành phố khám chữa bệnh liên tục gia tăng trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không được đảm bảo tại một số CSYT.
Một bộ phận người dân bức xúc, thiếu kiềm chế đã hành hung cán bộ, nhân viên y tế, đập phá tài sản BV. Các vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các CSYT và tác động đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế, gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội. Vì vậy, tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại các CSYT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là một yêu cầu khách quan, cấp thiết.
Do đó, hội thảo được tổ chức với mục đích tiếp tục làm rõ nhận thức về lý luận, nhận diện các vấn đề thực tiễn; tạo diễn đàn để lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, cán bộ chiến sĩ và nhân viên y tế trao đổi nhận thức, lý luận và thực tiễn nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an thành phố và Sở Y tế thành phố, tăng cường sự phối hợp giữa các bên, phát huy sức mạnh tổng hợp; đồng thời cụ thể hóa Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị về công tác đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam và PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cùng điều hành phần tham luận. Ban Tổ chức đã tiếp nhận 20 tham luận tiếp cận nghiên cứu ở nhiều góc độ và có chất lượng tốt. Đáng chú ý, tham luận của một số Công an quận, huyện và CSYT đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn, vướng mắc xoay quanh vấn đề bảo đảm ANTT trong tình hình hiện nay. Nhiều tham luận đã làm rõ nhận thức, đánh giá thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất được giải pháp, kiến nghị có giá trị góp phần đảm bảo ANTT tại các CSYT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Kết quả hội thảo sẽ có những đóng góp quan trọng để Công an thành phố và Sở Y tế thành phố đề ra những giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đảm bảo ANTT tại các CSYT trên địa bàn thành phố.