Công an tỉnh Yên Bái chủ động ứng phó với bão lũ ở mức cao nhất, bảo đảm tính mạng của nhân dân
Lực lượng Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại cả về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
Do chịu ảnh hưởng của bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 6/9 đến sáng sớm ngày 8/9 có mưa to đến rất to và dông. Mưa bão đã làm 1 người chết, khiến 439 nhà bị thiệt hại, trong đó 1 nhà ở huyện Yên Bình bị sập đổ hoàn toàn; 1 nhà huyện Mù Cang Chải bị hư hỏng nặng; 13 nhà huyện Trạm Tấu bị sạt lở, taluy ảnh hưởng. Có 269 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn: (Trấn Yên 36 nhà; Văn Chấn 83 nhà; Văn Yên 09 nhà; Nghĩa Lộ 139 nhà); nhà bị tốc mái trên 70%: 6 nhà (Văn Chấn 4 nhà; Yên Bái 1 nhà; Trấn Yên 1 nhà;); nhà bị tốc mái từ 50 đến 70%: 9 nhà (Yên Bái 1 nhà; Trấn Yên 3 nhà; Văn Chấn 4 nhà; Yên Bình 1 nhà); nhà bị tốc mái từ 30-50%: 53 nhà (Yên Bái 2 nhà; Trấn Yên 10 nhà; Văn Chấn 1 nhà; Văn Yên 40 nhà;); nhà bị thiệt hại dưới 30%: 87 nhà (Trấn Yên 39 nhà; Văn Chấn 29 nhà; Lục Yên 11 nhà; Mù Cang Chải 8 nhà).
Mưa bão cũng làm 610,48 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; 175 con gia cầm, 4 con gia súc bị chết; 1 cơ sở bị tốc mái hoàn toàn diện tích 400m2 nuôi cá tầm và 3 hộ bị lũ cuốn trôi đường dây dẫn nước dẫn đến mất nước bể nuôi cá, nguy cơ gây thiệt hại số lượng cá tầm trong bể tại xã Việt Hồng.
Các tuyến đường giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, đường tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) sạt lở tại Km 26 khối lượng khoảng 100m3 và sạt lở đất đá nhiều điểm ảnh hưởng đến giao thông.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động các phương án ứng phó, trong đó tập trung tuyên truyền, cảnh báo nhân dân về tình hình mưa lũ; phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập sâu, sạt lở đất… gây mất an toàn, để phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, gia cố những nơi xung yếu, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
Duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cùa người dân khi có tình huống xảy ra. Công an các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.