Công an tỉnh Thanh Hóa: Tấn công mạnh tội phạm tín dụng đen
Thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp, giải ngân nhanh... đó là đặc trưng cơ bản của hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, với lãi suất thuộc hạng “cắt cổ”, sau một thời gian ngắn vay tiền, nhiều người trở nên khốn đốn khi số nợ tăng dần theo ngày, vượt xa số tiền gốc. Công an tỉnh Thanh Hóa xác định tín dụng đen là một trong những nguyên nhân khởi nguồn phát sinh tội phạm, cần được kiểm soát, đẩy lùi.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 800 cá nhân, cơ sở, đối tượng kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Trong số đó, có gần 400 cơ sở kinh doanh cầm đồ; 20 cơ sở kinh doanh tài chính; 14 cơ sở kinh doanh huy động vốn lãi suất cao; 4 băng nhóm tội phạm; 366 cá nhân tham gia hội, họ, biêu, phường; 125 cá nhân cho vay lãi suất cao; 14 cá nhân huy động vốn lãi suất cao... Các đối tượng hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là cho vay với lãi suất cao, cầm đồ và “bốc họ”, núp bóng dưới những cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động cơ bản của tín dụng đen nhằm tránh sự phát hiện và để đối phó với cơ quan chức năng là không dùng sổ sách để ghi chép nợ, lãi mà sử dụng phần mềm trên Internet để giao dịch hoặc có dùng sổ sách nhưng cất giấu ở địa điểm khác; không viết giấy biên nhận, giấy vay tiền hoặc hợp đồng thuê xe môtô, ôtô như trước đây mà sử dụng giấy xin việc hoặc mua bán tài sản có hợp đồng công chứng theo quy định của pháp luật; quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo nhằm tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.
Khi người vay không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất cao, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng ném chất bẩn vào nhà của “con nợ” để đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến vụ án xảy mạng ra tại nhà bà Nguyễn Thị Vuông (SN 1973, ở thôn Lâm Thành, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) vào đầu năm 2022, người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ vì xin khất số nợ 33 triệu đồng còn lại không được, giữa Nguyễn Thị Vuông và chị Phạm Thị T xảy ra mâu thuẫn cực độ. Trong quá trình xô xát, Nguyễn Thị Vuông đã lấy một đoạn cây gỗ đánh vào đầu chị Phạm Thị T, khiến chị này ngất và tử vong sau đó.
Vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác định, đầu tháng 2/2021, Nguyễn Thị Vuông vay lãi của chị Phạm Thị T, số tiền 158 triệu đồng. Đến đầu tháng 1/2022, Vuông đã trả tiền gốc và lãi cho chị T là 162 triệu đồng, thế nhưng chị T yêu cầu Vuông phải trả số tiền còn lại là 133 triệu đồng. Khoảng 16h ngày 28/1/2022, chị T đến nhà Vuông để lấy số tiền nợ như đã hẹn, lúc này Vuông đưa cho chị T 100 triệu đồng và xin khất nợ số tiền còn lại là 33 triệu đồng.
Đến 17h30 cùng ngày, chị T tiếp tục đến nhà Vuông nhưng do Vuông không có tiền trả nên 2 bên xảy ra xô xát. Quá trình xô xát, Vuông nhặt gậy gỗ đập liên tiếp vào đầu chị T khiến chị T ngã xuống đất, bất tỉnh. Sau đó, Vuông đã bỏ thi thể chị T vào bao tải rồi ném xuống hố biogas của gia đình để phi tang.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Hoạt động tín dụng đen là một trong những nguyên nhân khởi phát của tội phạm băng ổ nhóm, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, thậm chí là giết người... Thực hiện văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về tăng cường tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành rất nhiều kế hoạch, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn để phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Cụ thể, đồng chí Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh tiến hành điều tra cơ bản, giao chỉ tiêu cho Công an cấp huyện xác lập ít nhất một chuyên án về tín dụng đen để đấu tranh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh, sau hơn 4 tháng ra quân, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xác lập và đấu tranh thành công 30 chuyên án về tín dụng đen; đã khởi tố 98 vụ cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, khởi tố 131 bị can; cơ quan điều tra làm rõ tổng số tiền các đối tượng cho vay nặng lãi khoảng 1.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.
Điển hình, ngày 30/12/2022, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an huyện Thường Xuân và các đơn vị nghiệp vụ, triệt xóa chuyên án tín dụng đen. Cơ quan CSĐT đã bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can 10 đối tượng. Mới đây, ngày 24/3/2023, Công an TP Thanh Hóa triệt xóa chuyên án đấu tranh với nhóm và đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, qua đó triệu tập 28 đối tượng. Sau quá trình điều tra, cơ quan Công an đã khởi tố 13 vụ, 19 bị can.
Ngày 29/3, Công an tỉnh Thanh Hóa huy động gần 2.500 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố ra quân tổng kiểm tra 735 cơ sở cầm đồ, cho vay dịch vụ tài chính. Qua kiểm tra, Công an phát hiện 405 cơ sở vi phạm với các lỗi: Không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; sổ sách ghi chép không đảm bảo; cầm cố xe không có giấy ủy quyền; hệ thống lưu giữ vật cầm cố không đúng đăng ký với cơ quan có thẩm quyền… Quá trình làm việc, cơ quan Công an đã tạm giữ hơn 600 phương tiện ôtô, môtô và các tài liệu khác có liên quan đến vi phạm trong hoạt động cầm cố, kinh doanh tài chính.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: Nếu như cả năm 2022 toàn tỉnh chỉ đấu tranh, triệt xóa 6 vụ việc liên quan tín dụng đen thì từ đầu năm 2023 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, xử lý hơn 100 vụ việc. Đến nay, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn phức tạp, nhiều đối tượng điều hành tín dụng đen bị bắt, kết án; nhiều cơ sở đã ngừng hoạt động; số còn hoạt động đã hạ lãi suất sát với quy định của Nhà nước.
Thời gian tới, dự báo tình hình hoạt động tín dụng đen tiếp tục có những diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tín dụng đen sẽ thay đổi, nhằm né tránh, đối phó với cơ quan chức năng. Do vậy, công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tín dụng đen cần được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục tới từng hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, các địa bàn vùng sâu, vùng xa để người dân, doanh nghiệp tự phòng ngừa. Cùng với đó, Công an các cấp tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, đưa đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen vào diện theo dõi, quản lý và xác lập chuyên án đấu tranh, triệt xóa.