Công an tỉnh Hòa Bình chủ động ứng phó với thiên tai

Thứ Sáu, 23/09/2022, 07:13

Khu vực Hòa Bình có tính chất chuyển tiếp giữa vùng cao phía Tây với vùng đồng bằng, chịu ảnh hưởng của các hệ thống thời tiết phức tạp như: hội tụ nhiệt đới, đường đứt, rãnh thấp, dông, bão... nên thường gây ra những trận mưa lớn trên diện rộng, kéo dài. Với đặc điểm địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông, suối lớn, độ ổn định của lớp đất mặt lưu vực yếu do quá trình phong hóa mạnh, lớp phủ thực vật bị tàn phá, tạo nên những vùng xung yếu dễ gây ra hiện tượng sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy.

Kết quả phân vùng nguy cơ trượt lở đất, đá trong phạm vi của tỉnh cho thấy: Trong 10 huyện, thành phố của tỉnh, huyện Mai Châu được xác định có nguy cơ trượt lở đất, đá rất cao; 5 huyện nguy cơ trượt lở đất, đá cao: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi, TP Hòa Bình; 4 huyện nguy cơ trượt lở đất, đá trung bình: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy.

Trong 151 xã, phường, thị trấn, có 46 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất, đá rất cao; 67 xã nguy cơ trượt lở cao... Qua số liệu cho thấy, tình trạng dễ bị tổn thương đối với sạt lở đất tại tỉnh ở mức độ cao, cần phải có các biện pháp, phương án ứng phó kịp thời để giảm thiểu rủi ro cũng như thiệt hại xảy ra.

Thực tế, những năm gần đây, hiện tượng sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay ước gần 6.255 tỷ đồng; có 56 người chết và mất tích, trong đó có 33 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do đá lăn. Đặc biệt, thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và an sinh xã hội. Hàng trăm công trình thuỷ lợi, hồ, đập bị hư hỏng nguy cơ mất an toàn. Nhiều tuyến đường từ quốc lộ đến liên xã trong mùa mưa thường xuyên xảy ra ngập úng, sạt lở làm ách tắc giao thông. Hàng chục khu dân cư bị sạt lở nghiêm trọng phải di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.

Quán triệt phương châm chỉ đạo “Chủ động ứng phó, linh hoạt thích ứng”, trong bất cứ tình huống nào cũng phải làm chủ tình hình, triển khai các phương án tốt nhất hỗ trợ nhân dân. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình luôn xác định, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò xung kích, tuyến đầu. Chủ động huy động mọi nguồn lực theo nguyên tắc “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, lũ lụt, trong đó ưu tiên nguồn lực tại chỗ, trang bị các phương tiện, vật tư, dự báo các tình huống cụ thể, sát với từng loại hình thiên tai và thực tế ở địa bàn cơ sở để chủ động các phương án ứng phó kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu “kép”, vừa giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Trong 3 năm qua, với phương châm chủ động ứng phó, lực lượng Công an tỉnh đã phân công trên 2.000 lượt CBCS Công an tỉnh, 2.300 Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, huy động 5 tàu, 12 xuồng máy, 9 máy xúc, 6 xe ôtô tải, 3 máy khoan cùng với các lực lượng khác tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giúp nhân dân chống lũ và giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng điều động 155 lượt ôtô, 3 máy phát điện, 385 áo phao, 300 phao cứu sinh, 200 áo mưa, 200 giầy vải cao cổ, 100 đèn pin, 22.700 lít xăng, 25.300 lít dầu. Triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông trên toàn địa bàn tỉnh; bố trí lực lượng phân luồng, cảnh báo, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, nơi sạt lở nguy hiểm, không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Lực lượng Công an phối hợp với chính quyền địa phương di dời 855 hộ dân và tài sản đến nơi an toàn; huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm các nạn nhân bị đất đá vùi lấp, bị lũ cuốn và đưa người bị thương đi cấp cứu. Tổ chức khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Như Hùng
.
.