Công an Thừa Thiên Huế triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số với nhiều tiện ích
Sáng 7/9, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số trong lực lượng Công an toàn tỉnh.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) tỉnh đã tập trung tham mưu, phối hợp các Sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mô hình, các nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó đã triển khai và từng bước nhân rộng 22/26 mô hình Đề án 06.
Trong đó, đã hoàn thành việc thu thập, làm sạch thông tin dân cư, cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn; tổ chức các đợt cao điểm thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đến nay tổng số hồ sơ định danh điện tử đã thu nhận 811.526 hồ sơ (đạt 76,48% so với tổng dân số trên 14 tuổi); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến ngày càng được nâng lên, đạt trên 90%, nhất là trong lĩnh vực cư trú, xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT...
Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động chiến dịch cấp phát chữ ký số toàn dân, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch về triển khai đăng ký cấp phát và sử dụng chữ ký số trong toàn lực lượng.
Việc hưởng ứng triển khai đăng ký cấp phát và sử dụng chữ ký số thể hiện rõ vai trò gương mẫu, đi đầu của lực lượng Công an trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số trong cán bộ, chiến sĩ (CBCS), công nhân viên, người lao động của Công an tỉnh và từng bước lan tỏa trong nhân dân, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử.
Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan Nhà nước chấp nhận.
Để việc triển khai đăng ký cấp phát và sử dụng chữ ký số đạt hiệu quả, tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc đăng ký cấp chữ ký số qua ứng dụng Hue-S; chỉ đạo và tổ chức tập huấn cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính nắm vững cách thức đăng ký, sử dụng chữ ký số để hướng dẫn công dân đăng ký cấp chữ ký số và sử dụng chữ ký số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh. CBCS thông qua công tác nghiệp vụ để lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký cấp chữ ký số và sử dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các giao dịch điện tử để phát huy vai trò chữ ký số trong thực tiễn cuộc sống.