Công an cấp xã và yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố Tụng hình sự

Thứ Sáu, 20/10/2023, 16:23

Đó là vấn đề được nêu ra tại hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự”, do Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tổ chức chiều 20/10 tại Công an tỉnh Lâm Đồng.

Chủ trì hội thảo có Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp; Thượng tá Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều tham luận đã tập trung đánh giá về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự nói chung và Bộ luật Tố Tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) nói riêng với các chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; với hệ thống pháp luật hiện hành; thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức cơ quan điều tra hiện nay.

Công an cấp xã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố Tụng hình sự -0
Hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự” diễn ra tại Công an tỉnh Lâm Đồng.

Các đại biểu tham dự hội thảo có cùng chung nhận định: Việc thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống Công an 4 cấp và bố trí điều tra viên ở Công an cấp xã hiện nay đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật tố tụng hình sự, trong đó có Bộ luật Tố Tụng hình sự hiện hành, nhằm làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã trong tố tụng hình sự...

Thực tiễn cho thấy, các quy định của Bộ luật Tố Tụng hình sự hiện nay đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung như các quy định và thẩm quyền xét xử của tòa án, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can không thống nhất, không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau dẫn đến khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một số quy định về bảo quản vật chứng; chủ thể tham gia tố tụng; các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự.

Công an cấp xã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố Tụng hình sự -0
Nhiều tham luận nêu vấn đề Công an cấp xã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố Tụng hình sự.

Tham luận tại hội thảo cũng thể hiện băn khoăn, một số quy định của Bộ luật Tố Tụng hình sự không đồng bộ, mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Tổ Chức cơ quan điều tra hình sự, như: các quy định về trình tự thủ tục tố tụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về thẩm quyền điều tra tội phạm giữa các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật Tố Tụng hình sự năm 2015 cũng đã được các tham luận nêu ra, như: sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Bộ luật Tố Tụng hình sự và các luật liên quan về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, về thi hành các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; về thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi; thẩm quyền của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang bị hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, gây khó khăn trong công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự....

Thiếu tướng, PGS. TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp cho biết, kết quả của hội thảo là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Hội đồng lý luận Bộ Công an tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tổ chức tổng kết thi hành Bộ luật Tố Tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) trong CAND và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo là cơ sở khoa học, thực tiễn phong phú và đặc biệt quan trọng góp phần định hướng cho công tác hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự được toàn diện, kỹ lưỡng.

Khắc Lịch
.
.