Công an các địa phương chủ động phòng chống bão Yagi
Chủ động ứng phó với bão Yagi, Công an các địa phương đã triển khai các hoạt động phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, giúp dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu bè đến nơi neo trú an toàn...
Tại Hải Phòng:
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, TP Hải Phòng chính thức thông báo cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghỉ học khi bão đổ bộ và thực hiện cấm biển từ trưa cùng ngày.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, học sinh tại các huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vỹ nghỉ học từ 10h ngày 6/9; học sinh các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi di trú của người dân vùng nguy hiểm nghỉ học từ chiều 6/9, từ ngày 7/9 toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ học cho đến khi bão tan.
Trong ngày 6 và sáng 7/9, TP Hải Phòng đồng loạt ra quân phòng chống bão số 3, các tuyến đê biển đang xây dựng hoặc cải tạo đều ngừng thi công, những khu vực xung yếu được gia cố bằng vật tư hỗ trợ; hệ thống cần cẩu cảng, tàu hàng đang neo đậu dọc gần 20km bến cảng đã được chằng buộc kỹ lưỡng; hệ thống các cột điện cao thế, cột thu phát sóng viễn thông, biển quảng cáo trên cao cũng được chằng chống; tàu thuyền du lịch và du khách, tàu đánh cá và ngư dân đã được tập kết về nơi tránh trú.
Thông tin từ Văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, trong ngày 6/9 Sở Xây dựng Hải Phòng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát, vận động và hỗ trợ người dân ở các khu chung cư cũ xuống cấp, các khu vực xung yếu di dời đến nơi tạm trú an toàn. Đồng thời, trưng dụng một số trường học và cơ sở công cộng khác để làm nơi tạm trú tránh bão cho người dân nêu trên.
Tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), đến trưa ngày 6/9 Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện đã hoàn thành việc thống kê và hỗ trợ 377 hộ với 1.339 nhân khẩu di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng.
Tại Quảng Ninh:
Trong ngày 6 và sáng 7/9, các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn đã huy động gần 2.700 CBCS cùng nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng, đặc chủng ứng trực tại các địa bàn trọng điểm và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền trong khu vực tránh trú.
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, gần 5.600 tàu cá các loại đã nhận được thông tin về bão, di dời về nơi tránh trú; hơn 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn. Ngư dân và người lao động trên cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương tổ chức di chuyển người lên bờ đảm bảo tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... trước khi bão đổ bộ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác than triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn trước bão, các mỏ lộ thiên tạm dừng sản xuất, di chuyển thiết bị đến nơi an toàn, các mỏ ngầm sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò.
Cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Ninh đã huy động 100% quân số dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Trần Văn Phúc- Giám đốc Công an tỉnh, triển khai hoạt động phòng chống bão số 3.
Theo đó, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh được yêu cầu có mặt tại các địa bàn, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm ANTT, TTATGT, PCCC&CNCH, còn phối hợp với các địa phương và lực lượng khác triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, sơ tán, di dời người dân và phương tiện, tài sản tại các khu vực dự báo chịu tác động mạnh của cơn bão, khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh liên quan, nhất là về tình hình khách du lịch, người nước ngoài; tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tình hình phòng chống cháy, nổ tại các khai trường mỏ, khu kinh tế, hồ đập, nhà máy điện và hạ tầng mạng lưới truyền tải điện, bến cảng, kho xăng dầu...
Ở một diễn biến khác liên quan, cũng trong ngày 6/9 người dân trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh đổ đến các trung tâm mua sắm, các chợ truyền thống để mua tích trưc lương thực, thực phẩm.
Tại Thái Bình:
Sáng 6/9, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác phòng chống bão Yagi tại huyện Thái Thụy. Tham gia đoàn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh.
Bão Yagi là cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024, đến thời điểm hiện tại bão vẫn giữ cường độ cao. Dự báo sức gió mạnh tối đa có thể lên tới cấp 12 đến 13, giật cấp 16 vùng gần tâm bão, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Để chủ động ứng phó với bão Yagi, Công an tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án phối hợp hiệu quả.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương trực 100% quân số, triển khai công tác ứng phó với bão theo phưng châm “Bốn tại chỗ”; khẩn trương và tăng cường tuyên truyền, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền, bến khách ngang sông diễn biến của bão để chủ động phòng tránh và có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu nhất là trên địa bàn huyện Thái Thụy, Tiền Hải; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và xử lý các tình huống xảy ra.
Tại Ninh Bình:
Trước tình hình đó, để triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống cơn bão, huy động tối đa lực lượng, phương tiện sẵn sàng phòng, chống lũ bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Các phòng chức năng, Công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình các tuyến đê, kè, đập tràn, bến phà, khu dân cư, nhất là tại các khu vực ven biển Kim Sơn, tuyến đê sông Hoàng Long, sông Đáy… để có phương án bảo vệ, di dân khi cần thiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; phối hợp với lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, bố trí nơi trú ẩn cho tàu thuyền nhằm tránh bão lũ an toàn cho người và phương tiện trong khi mưa bão. …
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT đường thủy, nâng cao ý thức phòng chống lụt bão cho các chủ tàu thuyền, bến phà, các hộ dân sinh sống trên sông. Tăng cường lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra kiểm soát khép kín 24/24h trên tất cả các tuyến đường bộ, tuyến sông nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện tàu, xuồng, sẵn sàng ứng cứu người, tài sản khi có bão lũ xảy ra.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp xã tăng cường hướng dẫn sử dụng phương tiện cứu sinh…
Các đơn vị Công an trong tỉnh chủ động kiểm tra an ninh, an toàn cơ sở vật chất, phòng tạm giam, nhà tạm giữ và có phương án di dời hồ sơ tài liệu đến địa điểm an toàn.
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình đã và đang tiến hành đồng bộ các mặt công tác để chủ động phòng, chống cơn bão số 3, góp phần giảm nhẹ thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tại Hà Nam:
Công an tỉnh Hà Nam đã triển khai Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tham mưu triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống bão với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất” để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, các công trình đang thi công, nhất là các vị trí xung yếu; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan chức năng có kế hoạch, phương án phòng, chống sạt lở, ngập, úng, khi mưa lớn, nước sông dâng lên. Tăng cường lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, tuyến sông, bố trí phân luồng và cảnh báo đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Chủ động rà soát, chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị và sẵn sàng lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, chủ động kiểm tra an ninh, an toàn cơ sở vật chất Trại tạm giam, nhà tạm giữ và có phương án bảo đảm an toàn hồ sơ tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của các đơn vị Công an trong tỉnh.
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã và đang tiến hành đồng bộ các mặt công tác để chủ động phòng, chống bão số 3, góp phần giảm nhẹ thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tại Thanh Hóa:
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chiều 6/9, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực cầu Phao Vồm, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hoá và một số đơn vị Công an tỉnh…
Cầu Phao Vồm, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hoá nối xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hoá và xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá. Mỗi ngày có khoảng từ 250 đến 300 người và phương tiện (xe máy) di chuyển qua đây. Để bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, sau khi kiểm tra thực địa công tác chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 3, Thiếu tướng Trần Phú Hà đã yêu cầu Ban Quản lý Cầu phao Vồm và cấp uỷ, chính quyền xã Thiệu Khánh thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của cơn bão số 3 và bám sát chỉ đạo của các sở, ban, ngành có liên quan để triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện di chuyển qua cầu. Đặc biệt, khi tình hình bão số 3 có diễn biến phức tạp, lượng nước dâng cao, gây nguy hiểm cho người lưu thông qua cầu cần ra thông báo cắt cầu, không để người và phương tiện di chuyển qua cầu.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cũng đã đến kiểm tra công tác thường trực chiến đấu tại Công an TP Thanh Hoá, Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Tại các đơn vị đến kiểm tra, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình công tác phòng, chống bão và trực tiếp kiểm tra công tác thường trực chiến đấu của các đơn vị, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Bảo đảm tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan đơn vị, các trang thiết bị, phương tiện, máy móc của đơn vị mình.
Đối với Công an TP Thanh Hoá, đồng chí Giám đốc yêu cầu cần bảo đảm an toàn tuyệt đối can phạm, phạm nhân tại nhà tạm giữ Công an thành phố. Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục kiểm tra, rà soát và nhắc nhở các phương tiện tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Rà soát, nắm tình hình các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, dự báo các tình huống xấu xảy ra do mưa bão để chủ động xây dựng phương án điều tiết, phân luồng giao thông và hỗ trợ người dân.
Riêng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu cần rà soát, kiểm tra lại các trang thiết bị, phương tiện được trang cấp và xây dựng các phương án phòng, chống bão số 3 để sẵn sàng lên đường hỗ trợ, giúp đỡ người dân và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
Trước đó, để sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 3, Giám đốc Công an tỉnh đã có điện chỉ đạo Công an cấp huyện thường trực 100% quân số, các phòng Công an tỉnh thường trực 50% quân số, 50% quân số còn lại ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Tại Nam Định:
Thực hiện Công điện của Bộ Công an, chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3, Công an tỉnh Nam Định đã chủ động triển khai các phương án, lực lượng, phương tiện để ứng phó với cơn bão.
Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải chủ động, quyết liệt, kịp thời triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; bảo đảm tuyệt đối an toàn Trại tạm giam, Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố và cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão.
Từ 14h ngày 6/9, Công an các đơn vị, địa phương trực 100% quân số để chủ động phòng, chống bão số 3. Đội xung kích phòng, chống lụt bão Công an tỉnh ứng trực 100% quân số, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện đặc chủng chuyên dùng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát cơ động bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm, sẵn sàng lực lượng huy động tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả của bão khi có yêu cầu. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt... Quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có ý thức chủ động hỗ trợ người dân phòng, chống bão.
Công an tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra các huyện ven biển và Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố. Tại những đơn vị kiểm tra, các đồng chí Phó Giám đốc đã trực tiếp khảo sát tình hình phòng, chống bão, những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo hướng phối hợp thực hiện các kế hoạch, phương án phòng, chống bão tại địa phương.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về cấm các phương tiện ra khơi, cấm các hoạt động vui chơi trên biển...
Ngay khi bão đi qua, các đơn vị triển khai lực lượng bảo đảm ANTT, ATGT; đồng thời tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường trụ sở, cơ quan đơn vị và khắc phục ngay hậu quả sau bão.
Tại Hải Dương:
Sáng nay 6/9, đoàn công tác do Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương – Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Kim Thành và một số công trình, đơn vị đặc thù.
Kiểm tra thực tế công tác ứng phó với bão số 3 tại một số vị trí xung yếu trên địa bàn huyện Kim Thành, Giám đốc Công an tỉnh Bùi Quang Bình yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác 4 tại chỗ. Đảm bảo đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, cầu cống.
Đặc biệt là những khu vực xung yếu, các công trình thủy lợi đang thi công dễ bị ảnh hưởng. Đối với các khu vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương và các lực lượng phải có phương án di dời, hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản; dứt khoát phải di dời khi có bão.
Ghi nhận công tác sẵn sàng ứng phó với bão, Giám đốc Công an tỉnh cũng đề nghị địa phương, các phòng, ban chuyên môn, lực lượng Công an, quân sự cần đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát thực hiện nghiêm túc các phương án ứng phó với bão. Theo dõi sát diễn biến của bão để thông tin, tuyên truyền kịp thời đến nhân dân để chủ động phòng, chống, không được chủ quan, lơ là.
Trước, trong và sau bão đều phải có lực lượng trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão. Bằng mọi nguồn lực, chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là những người yếu thế. Các sở ngành của tỉnh giải quyết ngay những đề xuất, kiến nghị của địa phương nhằm đảm bảo phòng chống bão.
Ngay sau khi kiểm tra tại địa bàn huyện Kim Thành đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cũng đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại một số mục tiêu trọng điểm, các cơ sở giam giữ can phạm nhân và một số công trình trọng điểm đang thi công.
Tại Lạng Sơn:
Để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ, Lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã có điện khẩn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống bão với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất” để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Trong đó, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng trực 100% quân số, sẵn sàng lực lượng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đảm bảo công cụ, phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu.
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, Công an Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các mặt công tác để ứng phó với cơn bão số 3, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để khi bão đổ bộ, gây mưa lớn sẽ có các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chỉ huy tại chỗ, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Trong chiều ngày 6/9, Công an TP Lạng Sơn đã chỉ đạo trên 100 cán bộ chiến sỹ và lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở có mặt tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng tại 8/8 địa bàn phường, xã thuộc thành phố Lạng Sơn.
Tính đến 18h30 ngày 6/9, lực lượng Công an thành phố Lạng Sơn đã hỗ trợ 54 hộ dân, 67 hộ kinh doanh hàng hóa tại Chợ Giếng Vuông, hỗ trợ di dời nhiều tài sản như: Ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, thóc, hàng tạp hóa và một số vật dụng khác... đến nơi an toàn; đồng thời tuyên truyền cho bà con nhân dân tháo dỡ biển quảng cáo, gia cố lại mái nhà và chủ động di chuyển tài sản, sơ tán người, gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn.
Tại Hà Tĩnh:
Để chủ động phòng chống trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, lực lượng Công an Hà Tĩnh tại các cấp đều quán triệt tinh thần theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”, phối hợp với cấp uỷ chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống bão; nâng cao năng lực ứng phó và tham gia cứu nạn khi có mưa bão xảy ra. Tuyên truyền người dân làm tốt công tác phòng chống mưa bão và các kỹ năng cần thiết khi mưa bão tới để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại mưa bão có thể gây ra, lực lượng Công an toàn tỉnh, đặc biệt là lực lượng công an cấp cơ sở đã chủ động bố trí thường trực quân số 24/24h, chuẩn bị các phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng di dời dân và đồ đạc, tài sản của người dân ở vùng ảnh hưởng đến nơi tránh trú an toàn; hộ trợ người dân, nhất là người dân tại các khu vực dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão phát quang cây cối, chằng chống nhà cửa đảm bảo kiên cố, an toàn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống tình trạng tội phạm lợi dụng thực hiện trộm cắp tài sản của người dân khi mưa bão tới”.
Đối với các khu vực dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở lực lượng Công an xã đã chủ động rà soát có phương án di dời người dân và tài sản ra khu vực an toàn, đồng thời triển khai cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh, phòng ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra.
Hà Tĩnh có đường bờ biển dài, với nhiều địa phương người dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên biển; trước thông tin cơn bão số 3 với cường độ mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Hà Tĩnh, lực lượng Công an đã khẩn trương phối hợp với cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng chống mưa bão và các kỹ năng cần thiết trong mùa mưa bão; kêu gọi, hướng dẫn người dân trên địa bàn, nhất là các ngư dân hoạt động ven biển, kể cả các ngư dân từ các địa phương khác hoạt động trên vùng biển thực hiện việc neo đậu tàu thuyền, vào bờ trú bão an toàn. Tính đến tại, hầu hết số tàu thuyền của ngư trên địa bàn và ngoại tỉnh đã vào neo đậu cố định trên địa bàn, không có tàu thuyền hoạt động ở vùng nguy hiểm.
Đường sắt bãi bỏ 8 chuyến tàu khách Hải Phòng, Vinh
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vừa quyết định bãi bỏ gần 10 đoàn tàu khách để tránh ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Cụ thể, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngày 7/9 bãi bỏ tàu LP5 xuất phát Hà Nội lúc 15h15, tàu LP7 xuất phát lúc 18h10 và tàu LP8 xuất phát Hải Phòng lúc 15h00, tàu HP2 xuất phát lúc 18h40.
Ngày 8/9 bãi bỏ tàu HP1 xuất phát Hà Nội lúc 6h00 và tàu LP2 xuất phát Hải Phòng lúc 6h10.
Tuyến Hà Nội - Vinh, ngày 7/9 bãi bỏ tàu NA1 xuất phát Hà Nội lúc 21h50 và tàu NA2 xuất phát Vinh lúc 22h15.
Hành khách có vé đi các chuyến tàu này đến các nhà ga để trả lại vé tàu, hoặc đổi lịch trình sang các chuyến tàu khác và không mất phí đổi, trả vé.