Chuyển trạng thái triển khai Đề án 06 trong năm bản lề 2024

Thứ Năm, 08/02/2024, 09:09

Hai năm qua, trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hàng nghìn tỷ đồng đã được tiết kiệm cho Nhà nước. Đây mới chỉ là con số ban đầu nhìn thấy được, còn giá trị vô hình mà Đề án 06 đem lại cho người dân, doanh nghiệp, xã hội là vô cùng to lớn, khó có thể đong đếm. Những ngày đầu năm 2024, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thêm một lần nữa khẳng định sự cấp thiết, vai trò đặc biệt quan trọng của Đề án 06 trong xây dựng, phát triển công dân số, xã hội số và Chính phủ số, hối thúc các bộ, ngành, địa phương cùng người dân, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển trạng thái triển khai.

Kết quả phản ánh quyết tâm

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an để cảm nhận rõ hơn không khí làm việc của CBCS ở đây trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Ngoài kia, mưa lẫn trong cái rét ngọt, những chồi non bật mầm xanh, vẫy gọi mùa xuân mới.

Tiếp chúng tôi song Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng vẫn tất bật với công việc. Mùa xuân đến có lẽ không hẳn là chỉ dấu về thời gian mà năm 2024 này như được xem là năm bản lề, càng đốc thúc thêm hơn sự quyết tâm và háo hức của các CBCS của đơn vị trong triển khai thực hiện Đề án 06.

Còn nhớ, trong Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, được Chính phủ tổ chức cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đề án 06 chính là “điểm sáng” nổi bật về chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua.

Nhận xét của Thủ tướng được bổ trợ bằng những dữ liệu hết sức cụ thể, bởi đây là một đề án mà chúng ta có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và cũng bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Nhắc đến đây, Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng, Tổ phó Thường trực cũng như các thành viên trong Tổ Công tác triển khai Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương và cả những công ty, tập đoàn công nghệ, và quan trọng nhất là người dân, doanh nghiệp đồng hành là vô cùng lớn.

Trang 15: Chuyển trạng thái triển khai Đề án 06 trong năm bản lề 2024 -0
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 do Chính phủ tổ chức chiều 21/12/2023.

“Điểm sáng” Đề án 06 trong tổng thể câu chuyện chuyển đổi số ở nước ta đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức của người dân; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nhìn lại con đường 2 năm qua triển khai thực hiện Đề án 06, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã khẳng định: Với vai trò thường trực, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Tổ Công tác, gương mẫu đi đầu của Bộ Công an, nhiều kết quả nổi bật đã được Bộ Công an, lực lượng Công an 4 cấp triển khai thực hiện, được nhân dân, doanh nghiệp, xã hội thụ hưởng, đồng tình cao. Trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu Bộ Công an nhắc lại “người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trên cơ sở cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác số hoá các giấy tờ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân gắn với điều chỉnh các quy trình nghiệp vụ để ứng dụng dữ liệu điện tử, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý các thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 ở các bộ, ngành và UBND các địa phương cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề trọng tâm, cấp bách để phục vụ xã hội, bảo đảm ANTT, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đẩy nhanh hơn nữa việc tạo lập dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết của Chính phủ.

Thông điệp hướng về người dân, doanh nghiệp

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải được xác định là “trái tim”, “chìa khóa”, là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số trong tổng thể kết cấu hạ tầng; hạ tầng công nghệ phải được xác định là yếu tố then chốt để thực hiện thành công Đề án 06, góp phần chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục quan điểm chỉ đạo của Đề án 06 mà Chính phủ đã đề ra, đó là lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số; phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, rõ ràng trong câu chuyện triển khai thực tế cho thấy, ở bộ, ngành, địa phương nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện Đề án 06 thì ở nơi đó, người dân, doanh nghiệp tích cực, hưởng ứng tham gia, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Ngược lại, kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 ở  các bộ, ngành, địa phương nào yếu kém, hạn chế thì đó cũng là thước đo vai trò trách nhiệm, uy tín và sự quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị trong tổng thể các mặt công tác. Từng nhiệm vụ chậm, muộn và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cũng được Tổ công tác chỉ rõ, yêu cầu phải gấp rút thời gian hoàn thành cụ thể.

Nhấn mạnh thực hiện Đề án 06 trong năm 2024 là then chốt, cốt lõi, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số để đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp: “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ. Theo Thủ tướng  Chính phủ, phải cắt bằng hết những thủ tục hành chính gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, khó cũng phải làm, làm bằng được, chuyển trạng thái ngay trong những ngày đầu năm 2024.

Việc thực hiện Đề án 06 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, được thể hiện trên 3 khía cạnh: Xây dựng nền hành chính văn minh; phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với 25/25 dịch vụ công thiết yếu. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.113 tỷ đồng.

Đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn thủ tục hành chính, trong đó đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,73 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9.513 tỷ đồng (tăng hơn 2,58 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành). Thống kê, trung bình hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng…

Hoàng Phong
.
.