Chuyện kể của những người trở về từ nơi ảo vọng giàu sang

Thứ Bảy, 26/10/2024, 07:46

Sau nhiều ngày sống chui lủi bất hợp pháp tại Thái Lan do bị kẻ xấu lừa phỉnh, dụ dỗ, nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã trở về Việt Nam và được chính quyền địa phương và lực lượng Công an tích cực động viên, hỗ trợ.

Một chiều cuối năm 2022, tin vào lời lừa phỉnh từ những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội, anh Yuk (33 tuổi, trú làng Kơ Tu, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) bán hết tài sản có giá trị trong nhà, dẫn theo vợ HHen và con trai út Y Dân chưa tròn 7 tuổi, khăn gói sang Thái Lan để tìm miền đất hứa với ảo vọng “đổi đời”.

Với chiêu dụ mức lương hơn 200 triệu đồng mỗi tháng cho những công việc nhẹ nhàng, có cơ hội sẽ được bảo lãnh đi nước thứ ba, sống cuộc đời an nhàn là những chiếc “bẫy ngọt”, được vẽ ra nhan nhản trên Facebook của các đối tượng phản động. Với thủ đoạn đánh vào sự thiếu hiểu biết, ước muốn có được cuộc sống giàu sang, sung túc nơi đất khách và những hình ảnh về cuộc sống thiên đường được đăng tải, các đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ được nhiều người dân tộc thiểu số. Có những người chọn cách đi chính ngạch như gia đình anh Yuk, khi hết hạn thị thực trốn để ở lại. Còn có những người mất hàng chục triệu đồng cho những tên cò mồi, đi những con đường tiểu ngạch bất hợp pháp để đến được đất Thái.

Chuyện kể của những người trở về từ nơi ảo vọng giàu sang -0
Lực lượng Công an và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Yuk và chị HHen.

Đi cùng vợ chồng anh Yuk còn 4 người nữa, cùng trú tại làng Kơ Tu, đều còn trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Thông qua Facebook, Yuk làm quen được một người Việt đang sống ở Thái, chuyên môi giới việc làm với mức hoa hồng là 16 triệu đồng/người. Sau khi “chốt kèo” và đến được Thái Lan, người này dẫn họ đến một nhà trọ tại Bang Yai, Bang Muong, tỉnh Nothaburi – nơi đang có nhiều người Việt cư trú bất hợp pháp. Tại đây, công việc tay chân phổ biến của họ là phụ hồ, quét rác, rửa chén… Hết thời hạn thị thực 1 tháng, gia đình ba người của anh Yuk trốn ở lại, sống trong một phòng trọ chưa đến 15m2. Anh Yuk là trụ cột, làm phụ hồ để nuôi cả gia đình, còn chị HHen chỉ ở nhà vì đau ốm triền miên.

Chị HHen tâm sự: “Mình không biết tiếng lại hay đau nên chỉ ở nhà chờ chồng đi làm, đi chợ mua đồ ăn về. Mỗi lần mua thuốc đều rất khó khăn. Thậm chí đau nặng cũng không dám đi viện thì không có giấy tờ. Con trai Y Dân đáng lẽ phải học tiểu học thì cũng không được đến trường”.

Gần hai năm vất vưởng nơi xứ người, đến lúc mẹ mất, anh Yuk cũng không kịp trở về gặp lần cuối. Trong căn nhà nhỏ, đứa con trai lớn 14 tuổi của anh chị cũng ngày đêm mong ngóng cha mẹ trở về. Để được trở về, họ lại tiếp tục mất thêm mỗi người 60 triệu cho những kẻ cò mồi.

Đôi mắt anh Yuk đỏ hoe khi nhớ đến mẹ, anh nghẹn ngào tâm sự: “Sang đó không kiếm được nhiều tiền như ở trên mạng nói. Làm hai năm không dư được gì cả. Bà con đừng nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, sự thật không đúng đâu”.

Rất may mắn khi được trở về Việt Nam, gia đình anh Yuk được chính quyền địa phương tận tình giúp đỡ, động viên. Đặc biệt, Y Dân được đi học lớp 2 tại một trường tiểu học gần nhà.

Thiếu tá Trần Ngọc Sơn - Trưởng Công an xã Chư Á (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) thông tin: “Lực lượng Công an đã thăm hỏi, động viên ngay khi gia đình anh Yuk trở về địa phương và tham mưu chính quyền tạo điều kiện để họ sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, Công an xã cũng tích cực vận động, tuyên truyền bà con không nghe, không tin theo lời dụ dỗ của đối tượng xấu vượt biên trái phép. Đối với những người dân còn ở Thái, chúng tôi cũng tạo điều kiện nếu họ có mong muốn trở về quê hương”.

Ông Chang – Thôn trưởng làng Kơ tu (xã Chư Á) chia sẻ: “Tôi đã tham gia các tổ công tác đến nhà động viên, hỗ trợ gia đình anh Yuk. Tôi cũng cùng bà con giúp đỡ để họ hòa nhập với thôn, làng, báo cáo cấp trên có chính sách, chế độ hỗ trợ. Đồng thời, mỗi năm, thôn Kơ tu đều tổ chức rà soát các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để lập danh sách, đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm”.

Bảo Hân – Nguyễn Nam
.
.