Chuyện chưa kể phía sau những dự án Luật
Lập hồ sơ đề nghị xây dự án Luật với các chính sách cụ thể, trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến; xây dựng dự thảo Luật, xin ý kiến, tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự án luật – đó là những công đoạn có thể phải mất tới nhiều năm để một dự án Luật trình Quốc hội “bấm nút” thông qua.
Phía sau những dự án Luật chuẩn đến từng câu, chữ thậm chí cả dấu chấm, dấu phẩy là công sức, sự nỗ lực không quản ngày đêm, vượt qua những áp lực vô hình của tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.
Những tình huống chưa có tiền lệ
Trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp tham mưu xây dựng hồ sơ dự án Luật.
Nhớ lại những ngày đầu cùng anh em lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Trung tá Đào Anh Tới, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp chia sẻ, xác định đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách của lực lượng CAND nên ngay từ quá trình nghiên cứu đến giai đoạn lập hồ sơ dự án Luật được tổ chức thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản và đúng Quy chế làm việc của Bộ Công an và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Từ cuối năm 2020, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã có văn bản báo cáo đầu tiên đặt vấn đề về sửa đổi Luật CAND. Sau đó, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Cục báo cáo lãnh đạo Bộ thành lập Ban soạn thảo dự án Luật do đồng chí Bộ trưởng làm Trưởng ban, đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Phó trưởng ban, thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; thành lập Tổ biên tập dự án Luật do đồng chí Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp làm Tổ trưởng, thành viên là đại diện lãnh đạo các vụ, cục của các bộ, ngành và của Bộ Công an nhưng nòng cốt là các đồng chí lãnh đạo của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và Cục Tổ chức cán bộ”.
Do một số nguyên nhân khách quan nên quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật phải trải qua nhiều thủ tục, phát sinh một số tình huống chưa có trong tiền lệ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhiều lần khiến thời gian xây dựng dự án Luật kéo dài gần 4 năm trời.
Trung tá Đào Anh Tới cũng cho biết, để xây dựng thành công một dự án Luật phải qua rất nhiều trình tự, thủ tục, phải báo cáo, giải trình qua nhiều cấp, nhiều lần với các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Đảng, Nhà nước. Với những yêu cầu rất khắt khe, nghiêm ngặt về nội dung, hình thức nên chỉ cần để xảy ra một sơ suất nhỏ hoặc vi phạm thời hạn báo cáo dù chỉ là một vài tiếng đồng hồ thôi cũng không còn cơ hội để khắc phục. Điều này đòi hỏi cán bộ tham mưu trong công tác xây dựng pháp luật phải hết sức tận tâm, trách nhiệm, bản lĩnh, có kiến thức pháp luật, nghiệp vụ toàn diện, không chỉ phải hiểu sâu phạm vi, lĩnh vực điều chỉnh của dự án luật cần xây dựng mà còn phải nắm chắc các quy định của pháp luật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình, quy chế báo cáo; chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị, đồng thời phải làm việc được với cường độ cao, vượt quá nhiều áp lưc mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cuối cùng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND đã được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2023 với tỉ lệ tán thành cao.
Cùng với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo cũng là dự án Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đại tá Trần Quốc Toàn, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự án Luật Căn cước cho biết, đây là dự án Luật phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo các cấp.
Dự án Luật có những quy định chuyển từ việc giải quyết thủ tục hành chính bằng thủ công sang môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính, tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, dự án Luật có các chính sách mang tính kỹ thuật nên người dân chưa hiểu rõ dẫn đến việc chưa nhận được sự ủng hộ, đồng thuận ngay từ đầu. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng dự án Luật gấp, trình tự, thủ tục xây dựng Luật trải qua nhiều quy trình chặt chẽ nên đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực, quyết tâm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Ban soạn thảo dự án Luật do đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm là Trưởng ban đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng dự án Luật; thực hiện việc tuyên truyền, giải thích, tiếp thu các ý kiến tham gia, giải trình đầy đủ các nội dung có liên quan. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo tính khoa học, tính khả thi, phù hợp thực tiễn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tạo sự đồng thuận, thống nhất xây dựng dự án Luật. Hiện nay, dự án Luật đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, dư luận, đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Dự kiến, dự án Luật Căn cước sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.
Không ngày nghỉ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, một khối lượng công việc đồ sộ đã được các cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoàn thành. Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an soạn thảo 4 dự án luật để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5; trong đó, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Luật xuất nhập cảnh; cho ý kiến 2 dự án Luật là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước.
Hiện nay, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đang phối hợp tham gia xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Cảnh vệ; tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng 5 dự án luật để trình cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2024, 2025 gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Cùng với đó, công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và thực hiện chức năng cơ quan đầu mối về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù được đẩy mạnh. Công tác phổ̉ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường và đã phát huy được sức mạnh tổng hợp; tổ chức tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong CAND.
Đứng đầu đơn vị với khối lượng công việc rất lớn với tính đặc thù như vậy, là một vị “thuyền trưởng” giàu kinh nghiệm thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ-Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã cùng các đồng chí lãnh đạo Cục chỉ đạo thực hiện việc xây dựng các dự án Luật bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên chia sẻ, mặc dù là đơn vị có chức năng tham mưu nhưng trong thời gian vừa qua, cán bộ, chiến sỹ Cục đã làm việc với khối lượng công việc và thời gian như một đơn vị có chức năng “chiến đấu”. Đặc biệt là giai đoạn “nóng” khi các dự án Luật bước vào giai đoạn nước rút, hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ và Quốc hội, đảm bảo các dự án Luật “cán” đích đúng thời hạn, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Cục thường xuyên làm việc đến 7h, 8h tối hằng ngày.
Thậm chí, có thời gian cao điểm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trực tiếp chỉ đạo chỉnh lý dự án Luật liên tục các buổi tối trong tuần, đêm nghỉ sớm nhất là 23h, ánh đèn ở các phòng, ban của Cục vẫn sáng hằng đêm. Vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, số lượng cán bộ, chiến sĩ có mặt tại đơn vị làm việc lên đến 1/3 quân số. Bản thân Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng hiếm khi có 1 ngày nghỉ trọn vẹn với gia đình. Cục trưởng thường xuyên “bám” cơ quan để kịp thời tiếp nhận, xử lý và giải quyết công việc cũng như đôn đốc, động viên anh em thực hiện công việc đã được phân công một cách kịp thời và hiệu quả.
Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên luôn nói về sự chỉ đạo sát sao, tâm huyết của đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên chia sẻ: “Bất cứ khi nào cần xin ý kiến chỉ đạo gấp về các nội dung của dự án Luật, chúng tôi có thể gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà riêng, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ để báo cáo. Dù đang phải xử lý rất nhiều công việc nhưng các đồng chí lãnh đạo Bộ luôn lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo của chúng tôi và cho ý kiến chỉ đạo rất cụ thể, kịp thời để chúng tôi tổ chức triển khai thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo đã có những chỉ đạo, định hướng, gợi ý cho chúng tôi nhiều cách làm hay, sáng tạo để tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng dự án Luật. Đây chính là yếu tố rất thuận lợi, quyết định đến thành công của quá trình xây dựng các dự án Luật, đồng thời qua đó cũng để lại cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai xây dựng các dự án Luật trong thời gian tới”.
Đã nhiều tháng nay, không ít cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp thiếu vắng những bữa cơm sum vầy bên gia đình. Dõi theo từng bước đi của dự án Luật, hiểu được những áp lực mà họ phải đối diện, vượt qua, chúng tôi càng thấy khâm phục nỗ lực, cống hiến thầm lặng của những cán bộ trên mặt trận không tiếng súng này.