Chiến công thầm lặng góp phần khám phá những chuyên án
Nhận thức rõ về giá trị chứng minh, truy nguyên tội phạm mà dấu vết mang lại, từ đó giúp CQĐT phá án, những cán bộ chiến sĩ (CBCS) Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an Bình Thuận luôn âm thầm vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Giám định các loại ma túy, thực hiện các yêu cầu giám định dấu vết, đường vân, khám nghiệm tử thi… đó là hàng loạt công việc thầm lặng của các CBCS Phòng KTHS Công an Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Họ, những CBCS mang sắc phục xanh đã “buộc” các dấu vết phải “nói lên sự thật”, góp phần giúp cơ quan điều tra phá án thành công.
Trong đó, giám định ma túy là một trong những lĩnh vực quan trọng. Với số lượng trưng cầu lên đến hơn 500 vụ/năm, việc kết luận có hay không có yếu tố cấu thành tội phạm đối với loại tội phạm nguy hiểm này là điểm then chốt. Chỉ với 2 giám định viên xuyên suốt đảm nhận công tác giám định ma túy, đây là thách thức lớn không chỉ đối với đơn vị, mà còn là khó khăn mà các giám định viên phải đối mặt.
Ngoài ra, việc giám định phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất nguy hiểm trong môi trường phòng kín, đã có giám định viên bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình. Tuy vậy, họ vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị phân công.
Thiếu tá Đoàn Thảo Nguyên, nữ giám định viên có 12 năm trong nghề chia sẻ, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là đặt luật pháp lên hàng đầu. Theo Thiếu tá Nguyên, thượng tôn pháp luật là tôn trọng bản chất mẫu vật giám định bởi nó quyết định đến cuộc đời của một con người, không thể để oan sai hay bỏ lọt tội phạm; phải luôn tuân thủ quy tắc, quy trình giám định, tôn trọng tính khách quan, áp dụng tối đa các biện pháp khoa học, kỹ thuật để tìm ra đúng loại chất gửi đến giám định. Đó cũng là điều tiên quyết mỗi khi tiếp nhận trưng cầu từ Công an các đơn vị, địa phương.
“Đồng đội của chúng tôi có thể hy sinh trong lúc truy bắt các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy, với chúng tôi, việc tiếp xúc với các loại hóa chất trong phòng kín, có khi hai mắt đỏ, sưng tấy… cũng chỉ là chuyện nhỏ”, Thiếu tá Đoàn Thảo Nguyên chia sẻ.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thẩm, Trưởng Phòng KTHS Công an tỉnh Bình Thuận, hiện đơn vị thực hiện 8 lĩnh vực giám định: giám định đường vân; giám định tài liệu; giám định hóa học, ma túy; giám định pháp y; giám định cháy, nổ và sự cố kỹ thuật; giám định dấu vết cơ học; giám định sinh học; giám định kỹ thuật số và điện tử.
Thượng tá Nguyễn Văn Thẩm, chia sẻ thêm, khi Cơ quan CSĐT các địa phương trưng cầu Phòng KTHS khám nghiệm, giám định một vụ tai nạn giao thông, một tổ sẽ lên đường làm nhiệm vụ, tuy nhiên trong tổ này ngoài bác sĩ pháp y sẽ có các giám định viên dấu vết cơ học, sự cố kỹ thuật,… với chuyên môn kỹ thuật sẽ đánh giá toàn diện, bởi chiều hướng, vị trí vết thương trên cơ thể nạn nhân có sự liên quan với dấu vết tại hiện trường.
Khám nghiệm hiện trường, phẫu thuật tử thi… bất kể ngày hay đêm, nhiều vụ phải khám nghiệm ngay lề đường, trong rừng sâu hay dưới trời mưa, có vụ khám nghiệm tử thi dưới nước đang trong thời kỳ phân hủy mạnh, hay thi thể bị cháy đen, không thể tránh khỏi mùi hôi thối nhưng các giám định viên vẫn luôn thận trọng từng chi tiết, không bỏ sót bất cứ một dấu vết nào… để tìm nguyên nhân cái chết của các nạn nhân ...
Có lẽ CBCS Đội Pháp y, Phòng KTHS Công an Bình Thuận mấy ngày qua chưa được về nhà. Chỉ trong ngày 21/8, vừa nhận nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường vào lúc rạng sáng, vụ đối tượng Nguyện Đức Sang chặn đầu xe ôtô đâm chết người sau mâu thuẫn trong một bữa tiệc sinh nhật tại Quốc lộ 1 (đoạn thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam), các anh tiếp tục được trưng cầu khám nghiệm tử thi ông H.H, được người dân phát hiện trong lúc đi câu tại sông Chùa (thuộc thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân). Chưa kịp nghỉ ngơi, Đội Pháp y lại lên đường khám nghiệm tử thi một người đàn ông nằm tại mép sông, dưới cầu Ông Tầm (thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) được người đi chăn bò phát hiện.
Đồng cảm với nỗi đau của người thân các nạn nhân, khiến giám định viên, bác sĩ pháp y Trung tá Nguyễn Minh Hùng và đồng đội không cho phép mình bất cẩn, dù là chi tiết nhỏ nhất. Theo Trung tá Hùng: “Mỗi vụ việc, mỗi tử thi khi giám định, phải chứng kiến cảnh người nhà đau xót, tiếc thương người thân của mình ra đi đột ngột. Đây là điều khiến chúng tôi phải thận trọng tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân, đi tìm sự thật cho những người đã khuất”.
Khối lượng công việc ngày càng nhiều thì mối nguy hại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng tỷ lệ thuận theo. Tuy nhiên, với lực lượng KTHS Công an tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung đã không ngừng chiến đấu, trưởng thành, góp phần giữ vững ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân.