Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng
Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo “Chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng”.
Thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện sứ quán, lãnh sự quán một số quốc gia tại Việt Nam; đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng của Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức doanh nghiệp, tổ chức khoa học trong và ngoài nước…
Phát biểu khai mạc mạc hội thảo, thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM & PCTP) đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực ANM, nêu rõ: Bên cạnh lợi ích mang lại, không gian mạng cũng đặt các quốc gia trước những nguy cơ, thách thức to lớn về an ninh mạng. Nổi lên là 4 vấn đề trọng tâm gồm hoạt động tấn công vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia, tấn công phá hoại, làm ngưng trệ hoạt động các tập đoàn kinh tế trọng yếu; tình hình lộ, mất, mua bán trái phép thông tin cá nhân của người dùng Internet; hoạt động đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật, tin giả và các hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất…
Từ những yêu cầu cấp bách trên, Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên trong lĩnh vực này.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính nêu rõ, sự cần thiết xây dựng và ban hành văn bản quy định pháp luật về ANM; quan điểm xây dựng Nghị định cũng như dự kiến nội dung của Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM và các vấn đề cần xin ý kiến tại hội thảo.
Dự thảo Nghị định sẽ tập trung vào 5 nội dung gồm: Xử lý VPHC nhằm bảo đảm an ninh thông tin, quy định xử phạt một số hành vi chưa đến mức xử lý hình sự; xử lý VPHC nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý VPHC liên quan tới phòng, chống tấn công mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và xử lý VPHC liên quan tới phòng, chống sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự kinh tế, trật tự xã hội…
Hội thảo đã nghe 14 tham luận, tập trung thảo luận với 2 nội dung chính gồm chính sách, pháp luật, kinh nghiệm xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM của một số quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và khuyến nghị xây dựng chính sách pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM đối với Việt Nam. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, các cơ quan quản lý Nhà nước trong và ngoài nước; kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật đối với công tác bảo đảm ANM của Việt Nam. Nội dung các báo cáo tham luận đa dạng, phong phú với nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện quá trình nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu.
Với chủ đề “ Khuyến nghị xây dựng quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh mạng”, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt VPHC và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã chia sẻ các thông tin về cơ sở pháp lý trực tiếp là căn cứ đề xuất xây dựng, ban hành Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANM; về hình thức xử phạt đối với VPHC trong lĩnh vực ANM; quy định biện pháp khắc phục hậu quả, phát hiện VPHC bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực ANM.
Ông Bruno Sivanandan, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo thể chế pháp luật theo kịp sự phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội và đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.
Thiếu tướng, T.S Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã trình bày các thông tin chi tiết về thực trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng tại TP Hồ Chí Minh và 4 kiến nghị, đề xuất cụ thể, phù hợp với thực tiễn gồm nghiên cứu, đánh giá, rà soát chặt chẽ các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật. Trong đó, chú ý về việc phân định thẩm quyền xử phạt VPHC trên lĩnh vực này theo hướng tăng cường thẩm quyền xử phạt đối với các chủ thể cấp cơ sở. Trên cơ sở để nâng cao hiệu qủa công tác; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin và một số góp ý trực tiếp đối với dự thảo Nghị định.