Chánh Văn phòng Bộ Công an cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng là mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 7/12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, trao đổi với báo chí về tình trạng tội phạm mạo danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4 thủ đoạn phổ biến
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng là mạo danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án). Nghi phạm sẽ gọi điện cho nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó, sử dụng chính những thông tin này làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa (thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.
Các đối tượng cũng có thể giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu. Chúng sẽ cung cấp ảnh chụp, video của bản thân với các lãnh đạo (nhiều sản phẩm đã được cắt ghép, chỉnh sửa bằng công nghệ cao) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn có thể chạy án, xin việc, xin dự án…, nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.
Một thủ đoạn khác là giả danh ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email, qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định, rồi chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”. Để nhận được phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc mua chuyển trước cho đối tượng một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt…
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cho người lạ
Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” lừa đảo, Trung tướng Tô Ân Xô khuyến cáo, người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
“Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
"Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng” – Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn.
Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tàn sản, người dân cần kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng phạm tội.