Cảnh sát khu vực với nhiều mô hình thiết thực giúp dân
Cảnh sát khu vực (CSKV) là lực lượng am hiểu địa bàn, gần dân nhất, nắm rõ người dân cần gì nhất, vì vậy, Công an TP Thủ Đức đã đề xuất xây dựng và triển khai nhiều mô hình sáng tạo hỗ trợ giúp dân như: “CSKV - Đi chợ hộ”, “CSKV - Nhà thuốc - Người dân khu cách ly”, “CSKV - Đáp ứng 24/7” được nhân dân khen ngợi.
Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh, CSKV Công an phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, hàng ngày ngoài thời gian dành cho công tác chuyên môn, còn tranh thủ đi chợ giúp dân với hàng trăm đơn hàng từ sáng sớm cho đến tối muộn. Chị thường bắt đầu một ngày làm việc từ 5 giờ sáng. Rời khỏi nhà, việc đầu tiên là chị đến trụ sở Công an phường ở đường Trương Văn Thành để lấy quân trang.
Khoảng thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ, Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh sẽ đến các chốt kiểm soát trên địa bàn phường để kiểm tra giấy tờ và kiểm soát việc ra đường của người dân. Đến 10 giờ, chị quay về trụ sở Công an phường lấy sổ sách mà mình đã ghi tên cụ thể từng người dân nhờ mua thực phẩm, thuốc men từ hôm trước.
Để thuận tiện trong việc giao hàng hỗ trợ người dân, Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh được Trưởng Công an phường Hiệp Phú giao riêng một xe đặc chủng. Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh sẽ lái xe đến siêu thị đưa cho nhân viên từng đơn hàng mà người dân nhờ mua.
Trong lúc chờ nhân viên siêu thị chuẩn bị, chị Hạnh kiểm tra kỹ càng từng món hàng rồi gọi điện thoại thông báo cụ thể đến từng người dân đã nhờ đặt mua hàng giúp sau mỗi đơn hàng được nhân viên siêu thị chuẩn bị xong.
Sắp xếp xong xuôi, chị Hạnh chuyển hàng lên thùng xe rồi đi giao đến từng người. Với những hẻm sâu, nữ CSKV phải để xe đặc chủng bên ngoài rồi xách giỏ hàng nặng trĩu len lỏi gõ cửa từng nhà dân. Sau khi giao hàng, chị nhận tiền rồi tiếp tục sang một nhà trọ khác giao hàng cho người dân đã đặt hàng. Cứ thế, công việc của Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh sẽ kết thúc lúc 9 giờ tối mỗi ngày.
Theo Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh, hầu hết lực lượng Công an phường đều làm việc cả ngày lẫn đêm, đứng nắng mưa để trực chốt kiểm soát rồi bảo vệ điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19... Tất cả việc này, các cán bộ đều phải tiếp xúc với nhiều người và có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh chia sẻ, chồng chị cũng chung ngành, cả hai đều tham gia công tác phòng, chống dịch nên hai con gửi về nhà cho người thân chăm để yên tâm đi làm chống dịch từ lúc bùng phát, đến nay đã hơn 4 tháng rồi vợ chồng chị vẫn chưa gặp con.
Tại địa bàn phường Bình Thọ, anh CSKV Lê Phi Hùng - Công an phường Bình Thọ đã thực hiện mô hình “CSKV - Đáp ứng 24/7”, nhằm kết nối tất cả người dân vào nhóm Zalo. Thông qua nhóm Zalo, người dân được cung cấp mọi thông tin về phòng, chống dịch COVID-19, lịch tiêm vaccine, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, kể cả giải đáp tận tình mọi thắc mắc của người dân trên địa bàn phụ trách. Và cũng nhờ đó, người dân trên địa bàn phường dường như gần gũi hơn, yêu thương, đùm bọc nhau hơn và đặc biệt yên tâm ở nhà góp phần phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Hay như CSKV Nguyễn Văn Dũng - Công an phường Linh Xuân với mô hình “CSKV - Nhà thuốc - Người dân khu cách ly” kết nối các nhà thuốc để mua thuốc cho người dân chữa bệnh trong khu cách ly, phong tỏa bất kể ngày đêm…
Tại địa bàn phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, cán bộ Công an phường đã chủ động thực hiện theo kế hoạch của Công an TP Thủ Đức về việc bảo vệ “vùng xanh” an toàn dịch. Tất cả với mục tiêu nhằm không cho người lạ mặt, phương tiện không cần thiết vào địa bàn làm lây lan dịch bệnh.
Song song đó, các CSKV đã kết hợp với từng tổ trưởng dân phố vận động được nhiều phần quà thiết yếu để ủng hộ bà con khó khăn. Cụ thể như những hộp cơm nghĩa tình, những bó rau được gói vội, những túi gạo, thùng mì chứa đựng tình cảm của các chiến sĩ CSKV và các nhà hảo tâm đã được tổ trưởng các tổ dân phố mang đến tận từng hộ gia đình trong lúc khó khăn này… Chính vì thế, đa số người dân đều yên tâm “ai ở đâu ở yên đó”…