Cảnh sát giao thông - từ truyền thống đến hiện đại hoá

Thứ Tư, 20/07/2022, 14:21

Tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); kết nối chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả các mặt công tác nhằm hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, biên chế của lực lượng CSGT là mục tiêu trước mắt và lâu dài để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức tiền thân của CSGT đã làm nhiệm vụ chỉ đường, kiểm tra xe vận tải, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, kiểm tra giúp đỡ người qua lại ở các tuyến đường giao thông quan trọng, các khu vực giáp ranh giữa ta và địch, các cơ quan, kho tàng, bến bãi; phối hợp bảo vệ đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân; bảo vệ sửa chữa, làm mới cầu đường, bảo vệ giao thông vận chuyển hàng hoá, lương thực, vũ khí, đạn dược; phát hiện những đối tượng lợi dụng phương tiện để hoạt động cho địch. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, lực lượng CSGT được thành lập, tham gia tiếp quản Thủ đô và các tỉnh, thành phố, thị xã miền Bắc, đảm bảo TTATGT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế.

Cảnh sát giao thông - từ truyền thống đến hiện đại hoá_SODACBIET20/7_T10 -0
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông, ngày 23/3/2022.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, lực lượng CSGT ngày đêm bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, bến phà và những trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá để hướng dẫn, chỉ huy, điều hòa giao thông, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, an toàn, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; phối hợp cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân cầu, đường và nhân dân sửa đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, mở đường, thông tuyến cho xe, tàu, thuyền qua lại an toàn, góp phần vào công cuộc đấu tranh và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước độc lập, thống nhất, CSGT lại bước vào trận tuyến mới “Bảo đảm TTATGT, phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế” không kém phần khó khăn, phức tạp và quyết liệt. Nhiều lượt CBCS lực lượng CSGT đã tăng cường cho các địa phương miền Nam tiếp quản, ổn định và giữ gìn TTATGT; triển khai công tác đăng ký phương tiện; bảo vệ việc xây dựng, khôi phục và khai thông tuyến đường sắt Thống Nhất; tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT trên các tuyến quốc lộ và giao thông đô thị...

Trong thời kỳ đổi mới, CSGT tiếp tục khẳng định là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế. Đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng CSGT đã chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm, gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

CSGT luôn là lực lượng tuyến đầu, nòng cốt khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, tập trung toàn lực để bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội nghị, sự kiện lớn của đất nước; tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của lực lượng CSGT.

Cảnh sát giao thông - từ truyền thống đến hiện đại hoá_SODACBIET20/7_T10 -0
Nữ cán bộ CSGT tập luyện nâng cao kỹ năng dẫn đoàn, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Hồng Quang

 Nhằm từng bước hiện đại hóa công tác bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT, ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao năng lực công tác của lực lượng CSGT, tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT, Bộ Công an luôn quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực của CSGT như: công tác đăng ký quản lý phương tiện, xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu ATGT, nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến...

Trong đó, đáng chú ý là đề án “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ ANTT và xử lý vi phạm giao thông”. Thực hiện đề án, Cục CSGT được đầu tư và đang quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin trên một số mặt công tác như: hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh; hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe và hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông; hệ thống cảm biến để đo, đếm lưu lượng phương tiện phục vụ điều hành dòng chảy giao thông cho tốt nhất. Trang thiết bị kỹ thuật để chỉ huy điều hành chống ùn tắc; camera phát hiện vi phạm và gửi các vi phạm đó nhanh nhất đến chủ xe và người vi phạm…

Các hệ thống này góp phần hỗ trợ không nhỏ cho lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, trong công tác TTKS, xử lý vi phạm, thay vì lập chốt như hiện nay, lực lượng CSGT sẽ hướng tới xử phạt qua camera và chỉ tuần lưu, giải quyết các tình huống đột xuất như tai nạn, ùn tắc giao thông. Đồng thời, thể hiện hiệu quả khi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT được áp dụng trong thực tiễn. 

“Trừ các hành vi buộc phải dừng xe để kiểm tra như kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý… thì CSGT mới phải dừng xe trực tiếp. Các hành vi không gây nguy hiểm thì xử lý qua dữ liệu điện tử, không cần phải dừng phương tiện” – Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đang hoàn thiện cổng giao tiếp với mục đích chia sẻ, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân nhanh nhất, tiến tới dịch vụ công cấp độ 4 để người dân không cần gặp trực tiếp CSGT để thực hiện các thủ tục hành chính. Tiếp tục hoàn thiện trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ (đặt tại Cục CSGT) kết nối đến trung tâm chỉ huy của tất cả các địa phương và từng CBCS để điều hành, giám sát. CSGT khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực.

Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng CSGT có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất, từ đó, tăng cường quản lý cán bộ, chỉ đạo xử lý các vấn đề xảy ra như ùn tắc, TNGT.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thời gian tới, lực lượng CSGT phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT trong nắm tình hình, dự báo từ sớm, từ xa để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo TTATGT. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác đảm bảo TTATGT; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng CSGT nhằm hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, biên chế của lực lượng CSGT.

Nói về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác của CSGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu, lực lượng CSGT phải ưu tiên nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác của CSGT và phục vụ quản lý xã hội; nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của lực lượng CSGT; có khâu đột phá từ con người, hành lang pháp lý, trang bị phương tiện… để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất. Có lộ trình, có khâu đột phá cải cách hành chính triệt để liên quan đến người dân, giảm việc đi lại, chi phí, thời gian của người dân. Đặc biệt, CSGT phải đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động trên đường; lấy người dân làm trung tâm của mọi hoạt động công tác.

Phương Thuỷ
.
.