Cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ Sáu, 19/05/2023, 15:32

Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phát sinh khó khăn, vướng mắc

Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy tờ tuỳ thân của người đến liên hệ làm thủ tục… Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các giấy tờ trên trong hồ sơ thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, việc thẩm vấn, ghi lời khai đối với các đối tượng côn đồ, hung hãn, liều lĩnh, bất cần, đối tượng bị kích động mạnh, đối tượng sử dụng ma tuý dẫn đến ngáo đá gặp rất nhiều khó khăn, gây nguy hiểm cho điều tra viên và cán bộ điều tra trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai. Do đó, để ngăn ngừa đối tượng tự sát, chạy trốn; răn đe, giáo dục phạm nhân khi có hành vi vi phạm nội quy trại giam; ngăn chặn những hành vi tiêu cực của phạm nhân, đặc biệt là những trường hợp phạm nhân ngoan cố, chống đối, tấn công cán bộ trong quá trình làm việc; phạm nhân có biểu hiện thần kinh không ổn định thì việc trang bị ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt cho Công an các đơn vị, địa phương rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định về việc trang bị, quản lý, sử dụng đối với ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt nên cần thiết phải bổ sung vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ -0
Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ thủ tục không cần thiết.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước trên thế giới có cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán, trao đổi, cho, tặng, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không còn khả năng phục hồi, tính năng, tác dụng để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, tư liệu truyền thống, lịch sử.

Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cũng như tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ làm hiện vật trưng bày, triển lãm, tư liệu truyền thống, lịch sử thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 7 và 10 Điều 5  Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn.

Theo quy định tại Điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời hạn 5 năm. Sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi. Bên cạnh đó, một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ, không có thời hạn.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu; trong khi đó việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực. Do đó, cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng, chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Một số loại công cụ hỗ trợ có niên hạn sử dụng ngắn hoặc sử dụng một lần (bình xịt hơi cay, quả nổ nghiệp vụ...) chủ yếu trang bị, sử dụng cho lực lượng vũ trang phục vụ công tác huấn luyện, đấu tranh chống tội phạm nên không cấp giấy phép sử dụng, chỉ quản lý theo số lượng được trang bị, sử dụng.

Một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại Điều 37, 38, 39, 40, 42, 43, 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với quy định một số luật có liên quan và thực tiễn quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ; chưa có quy định về việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; việc quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp không phù hợp với Luật Quy hoạch; việc quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng; chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản khi có thay đổi về điều kiện địa chất, thiết kế khai thác; quy định giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ không hết khi vận chuyển về lại phải xin giấy phép.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất 5 chính sách

Theo Bộ Công an, để tháo gỡ khó khăn, bất cập trên thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đề xuất 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể:

Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Bổ sung Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ.

Cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; cho phép mua bán, trao đổi, cho, tặng, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm.

Sửa đổi, bổ sung Điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng, chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kính tế - xã hội.

Toàn văn dự thảo Hồ sơ dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương
.
.