Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng

Thứ Năm, 18/08/2022, 10:56

Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lực lượng CAND triển khai trên nhiều phương diện, từ phòng ngừa đến phát hiện, điều tra, xử lý. Các lực lượng trong CAND đã làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ, ngân hàng; triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong các cơ quan Nhà nước; phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc... Qua đó đã báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý

Trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Tô Lâm đối với lực lượng chức năng là phải chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý, tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên”.

Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng_số DB_19/8_T30 -0
CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế thi hành lệnh khám xét nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC.

Như trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vào những năm 2010-2011, đã xảy ra tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” nền kinh tế, làm cho lạm phát tăng cao đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Công an đã chủ động, kịp thời tham mưu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và trực tiếp bắt giữ, xử lý 2 vụ mua bán trái phép gần 1 triệu USD, qua đó tác động mạnh, kiểm soát tốt “thị trường ngoại tệ tự do”, làm lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã làm rõ, xử lý Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh... là những đối tượng cầm đầu, kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội nhằm mục đích thâu tóm, lũng đoạn hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, phục vụ cho lợi ích nhóm, thao túng thị trường tài chính - tiền tệ, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn, an ninh hệ thống tài chính - tiền tệ và nền kinh tế.

Đây cũng là lần đầu tiên việc điều tra, xử lý 1 vụ án kinh tế được nêu trong văn kiện của Trung ương (Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI của Đảng), từ đó đã nhận diện, tham mưu xử lý các “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”, xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2012-2015.

Hay như trong lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công an đã phát hiện nhiều hành vi sai phạm, lợi dụng quá trình cổ phần hóa, thoái vốn để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước rất lớn. Qua đó, đã khởi tố điều tra hàng loạt vụ án trong lĩnh vực này.

Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển (diện tích 32ha, ở huyện Nhà Bè) và dự án khu dân cư Ven Sông (quận 7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát tổng cộng 248 tỷ đồng; vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng…

Trong các vụ án trên, Cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an đã làm rõ, xử lý nhiều cán bộ cao cấp như ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra, 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiều quan chức của tỉnh Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cũng bị điều tra, xử lý vì các sai phạm do tham nhũng, tiêu cực. Trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã phát hiện, xử lý hàng loạt đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Điển hình như phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại: Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, Quảng Ninh…

Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng_số DB_19/8_T30 -0
Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (bìa trái) và một số bị can.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Trong các vụ án trên, rất nhiều đối tượng là cán bộ có chức vụ, thậm chí cả nhà khoa học, những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội nên công tác xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm “không bỏ lọt tội phạm”, CBCS thuộc các Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã chọn đúng khâu đột phá để đấu tranh, từ đó xử lý nghiêm, ngăn ngừa các vi phạm tương tự xảy ra; kiến nghị, tham mưu thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp Nhà nước; xử lý các vụ án, vụ việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, góp phần đưa giá cả các mặt hàng thiết yếu về đúng giá trị thực; xử lý các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... đã góp phần làm lành mạnh thị trường, tạo tiền đề để phát triển bền vững.

Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng phát hiện có hiện tượng “sắp đặt”, “thông thầu”, “chia chác” tương đối phổ biến trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công gây thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, của tập thể. Trên thực tế, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ đấu thầu thì rất đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định, thậm chí rất “tròn trĩnh”, chặt chẽ, chủ đầu tư có ban quản lý dự án, tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định đấu thầu, thậm chí thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, thuê đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định thực chất giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá đã thông thầu; chủ đầu tư “sắp đặt” từ khâu chuẩn bị hồ sơ mời thầu để “cài” các điều kiện về cấu hình sản phẩm phân phối độc quyền tại Việt Nam, năng lực, kinh nghiệm, thời hạn giao hàng… để chỉ có duy nhất nhà thầu đó đáp ứng được và trúng thầu.

Điển hình như vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các đối tượng đã dàn xếp để Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga (đơn vị cung cấp thiết bị) và Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC -Việt Nam (đơn vị thẩm định) nâng giá riêng thiết bị Stent tim từ 8 đến 11 triệu đồng/Stent lên 36 triệu đồng/stent, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Theo đó, các đối tượng sắp đặt bằng cách lựa chọn sản phẩm mà chỉ có nhà thầu phân phối stent của Ấn Độ mới đáp ứng được điều kiện quy cách hàng hóa; đưa ra điều kiện giao hàng nhập khẩu trong 25 ngày, thì chỉ có Công ty NSJ mới đáp ứng được vì Công ty đã thông thầu nhập khẩu hàng từ trước khi làm thủ tục đấu thầu... Do đó phải áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra sâu, thu thập, củng cố vững chắc tài liệu chứng cứ, đấu tranh quyết liệt, sáng tạo mới phát hiện được yếu tố bất minh, không bình thường, vạch trần được sai phạm của các đối tượng. Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (khi đó đã chuyển sang làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng các đồng phạm khác; thu hồi, phong tỏa tài khoản của các bị can có tổng trị giá 3,3 tỷ đồng và 16.800 USD; kê biên 15 tài sản nhà đất, có tổng trị giá ước tính khoảng trên 100 tỷ đồng.

Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng_số DB_19/8_T30 -0
Lực lượng chức năng tiến hành thủ tục khởi tố bị can, khám xét nhà bị can trong vụ án sai phạm tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.

 Hay trong vụ án Công ty Việt Á, các đối tượng đưa và nhận hối lộ chuyển tiền lòng vòng qua người nhà, qua hiệu vàng để che giấu, Cơ quan điều tra đã thu thập, làm rõ các mối quan hệ, giao dịch và dòng tiền, nguồn tiền bất minh để đấu tranh truy xét, làm rõ được việc các đối tượng chuyển tiền “lại quả” để đấu tranh. Khi Cơ quan điều tra vào xác minh, các đối tượng tìm mọi cách hợp thức hồ sơ, bàn bạc thống nhất khai báo và sau khi bị bắt, các bị can khai báo nhỏ giọt, đổ lỗi cho người khác, nhất là không thừa nhận có việc ăn chia, thông thầu. Nhưng với chiến thuật truy xét bài bản, đấu tranh, đấu lý kết hợp với giáo dục, động viên bị can khai báo để hưởng khoan hồng của pháp luật, các bị can đã từng bước khai nhận hành vi phạm tội. Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu sử dụng kit test COVID tăng cao, các đối tượng đã “hợp thức” việc sản xuất, mua bán, nâng khống giá bán kit test bằng thủ đoạn đăng ký đề tài khoa học, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép lưu hành sản phẩm và xác định giá khống đó, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra. Dù các đối tượng tinh vi, xảo quyệt như vậy, nhưng với quyết tâm “không bỏ lọt tội phạm”, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã làm rõ, khởi tố hơn 60 đối tượng.

Cũng với quyết tâm “không bỏ lọt tội phạm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, các Cơ quan điều tra của Bộ Công an củng cố tài liệu, chứng cứ, khởi tố hàng chục cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Việc khởi tố nguyên Ủy viên Bộ Chính trị  là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng Việt Nam; ngoài ra, trong vụ án Mobifone - AVG đã khởi tố, xử lý 2 nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; vụ án tại Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh -Trung Lương đã khởi tố nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; vụ án tại UBND thành phố Hà Nội đã khởi tố nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; vụ án tại Tổng Công ty sản xuất XNK Bình Dương đã khởi tố 3 bị can nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư Thường trực; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; vụ Việt Á đã khởi tố 2 bị can nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và nhiều cán bộ lãnh đạo khác; vụ án tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án lợi dụng chuyến bay giải cứu để trục lợi đã khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao…

Việc đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm nhiều cán bộ đảng viên sai phạm (trong đó có nhiều bị can từng giữ chức vụ cao cấp của Tỉnh ủy, Bộ, ngành Trung ương) khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong xử lý tội phạm tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện đúng đắn tính nhân văn trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng_số DB_19/8_T30 -0
Xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tháng 6/2022.

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Việc lực lượng Công an chủ động nhận diện các hành vi sai phạm, tội phạm ở những lĩnh vực nhạy cảm để có giải pháp đấu tranh phù hợp, lựa chọn khâu đột phá trong từng lĩnh vực là đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm là “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên”. Đây cũng là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra. Điển hình như việc điều tra, khám phá vụ án tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC, việc xã hội hóa trong mua sắm thiết bị khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… đã kịp thời ngăn chặn sai phạm tương tự trong việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19, vật tư stent tim, thiết bị Robot phẫu thuật… ở các bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước, ngăn chặn thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng của Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh, đưa chi phí khám chữa bệnh giảm về giá trị thật, ngăn chặn thiệt hại quỹ bảo hiểm xã hội.

Việc phát hiện, điều tra xử lý các vụ án nói trên đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp câu kết kiếm tiền bất chính trên nỗi đau của người bệnh. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa lúc đại dịch diễn biến phức tạp cũng chính là thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội (bởi khi giá thiết bị y tế tiệm cận với giá trị thực thì người dân sẽ được hưởng lợi). Việc kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng lợi dụng kẽ hở để trục lợi trong việc đấu giá các khu đất "vàng", xử lý hàng loạt cán bộ lãnh đạo tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Bình Dương, Đà Nẵng… đã ngăn chặn kịp thời tình trạng trục lợi trên khi Nhà nước ta đang tiếp tục triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, góp phần răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua công tác điều tra các vụ án trên, Bộ Công an đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm, đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm về mặt Đảng đối với tổ chức đảng, cá nhân sai phạm ở Tỉnh ủy Bình Dương, Khánh Hòa, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế…, với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: “Xử lý một vài người để cứu muôn người”.

Bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng_số DB_19/8_T30 -0
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) khai báo trước tòa.

Bịt kín các lỗ hổng, sơ hở để phòng ngừa tội phạm

Từ các vụ án trên, Bộ Công an đã chỉ rõ nhiều bất cập, sơ hở, “lỗ hổng” trong quản lý kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội, như “lỗ hổng” rất lớn trong khâu thẩm định, định giá tài sản đầu tư và quản lý trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, cơ chế tự chủ tài chính của một số bệnh viện được giao, biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế (từ thực hiện chính sách an sinh xã hội thành kinh doanh dịch vụ), mập mờ công-tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người; chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở để câu kết với các doanh nghiệp bên ngoài nhằm trục lợi.

Hay trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty VEC khi thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ Công an cũng đã chỉ ra các “lỗ hổng” nghiêm trọng trong quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng (đơn vị thiết kế kỹ thuật dự án đã không tham gia công tác điều chỉnh thiết kế khi có phát sinh, không tham gia giám sát tác giả thiết kế; các đơn vị có tính hoạt động độc lập rất cao là đơn vị thí nghiệm vật liệu, thiết kế bản vẽ thi công nhưng lại trực thuộc nhà thầu thi công…; nguy hiểm nhất là việc chia nhỏ các gói thầu để các nhà thầu nhỏ không đủ năng lực, kinh nghiệm được thi công dẫn đến chất lượng thi công không đảm bảo, gây sự cố, hỏng hóc nghiêm trọng. Trong vụ án tại Tổng Công ty 3/2, cơ quan điều tra chỉ rõ “lỗ hổng” trong việc sắp xếp, xử lý tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, nhập nhằng giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện vốn Nhà nước, can thiệp hành chính (có động cơ lợi ích nhóm) vào hoạt động doanh nghiệp.

Cũng từ công tác điều tra các vụ án đấu thầu, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát và tăng cường giám sát toàn bộ các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục. Kết quả phát hiện nhiều gói thầu không thực hiện hoặc điều chỉnh về đúng giá thực tế, đã ngăn chặn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước; kiến nghị và Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 1/10/2020 chỉ đạo công khai và điều chỉnh giảm giá thuốc, chi phí khám chữa bệnh, chi trả bảo hiểm y tế đúng thực tế, qua đó bảo vệ kịp thời quyền lợi, góp phần tiết kiệm chi phí hàng nghìn tỷ đồng khám chữa bệnh của Nhân dân (điển hình như Bệnh viện Bạch Mai đã giảm 18 dịch vụ khám chữa bệnh về bằng mức Bảo hiểm xã hội chi trả)… góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, ổn định, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua công tác điều tra, lực lượng CAND đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi, phần lớn người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước (nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt); khẳng định rõ chống tham nhũng, tiêu cực không làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước mà trái lại, góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ, đưa giá trị sản xuất đầu tư và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực... đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của đất nước trong những năm qua.

Trong 10 năm qua, Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Giai đoạn 2012-2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

 Phương Thuỷ
.
.