“Binh chủng đặc biệt” - 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Thứ Năm, 05/12/2024, 06:59

Thành lập ngày 15/12/1959, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của CAND Việt Nam. Trải qua 65 năm (15/12/1959 - 15/12/2024) xây dựng, chiến đấu và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của binh chủng đặc biệt này luôn đoàn kết, phát huy truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời".

Hình thành và phát triển

Ngày 15/9/1959, khóa học đầu tiên, gồm 44 học viên của lực lượng Cảnh sát nhân dân và CAND vũ trang được khai giảng, đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

nv (1).jpg -0
Đại tá Dương Đình Đoàn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ giới thiệu với lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ về công tác đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ.

Nhận thức rõ vai trò của “binh chủng đặc biệt” này, những năm 60 của thế kỷ XX, Bộ Công an đã cử nhiều đoàn cán bộ đi đào tạo ở Đức, Trung Quốc để học tập, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm về công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, chăn nuôi, thú y của nước bạn, tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Trung Quốc và Đức về cung cấp chó nghiệp vụ, trang thiết bị nghiệp vụ và phát triển hệ lực lượng tại Việt Nam. Từ những kinh nghiệm học tập và chiến đấu, đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ cho các đơn vị, Công an địa phương trên toàn quốc cũng như bạn bè quốc tế (Lào, Campuchia, Belarus…).

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và nêu rõ trong tổ chức bộ máy của Cảnh sát cơ động có lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ. Thực hiện Pháp lệnh này, ngày 25/7/2014, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 4174/QĐ-BCA chuyển giao Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội sang Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Quyết định số 4177/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (nay là Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ).

Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt chặng đường lịch sử, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ CAND luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tận tình và trực tiếp thăm hỏi, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an qua các thời kỳ. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn để lực lượng đặc thù này vượt qua mọi khó khăn gian khổ, rèn luyện phấn đấu để ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) của đất nước.

Những chiến công tiếp nối chiến công

Có thể nói, ở đâu tình hình ANTT phức tạp, nảy sinh “điểm nóng” về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội thì ở đó có lực lượng “đặc biệt” này. Điển hình như: Năm 2016, lực lượng huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ tham gia hỗ trợ điều tra phá án, truy xét tội phạm, trong đó phát hiện 18 vụ ma túy, 27 vụ thuốc nổ; sử dụng chó nghiệp vụ truy tìm dấu vết hơi 7 vụ (trong đó 3 vụ giết người; 1 vụ mất tích); giám biệt mùi hơi người 3 vụ.

Năm 2018, tăng cường hỗ trợ 11 cán bộ và 8 chó nghiệp vụ cho Công an tỉnh Bình Thuận giải quyết vụ việc đột xuất, phức tạp về ANTT liên quan đến việc tập trung đông người gây rối, biểu tình, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ; sử dụng 5 chó nghiệp vụ tham gia giám biệt mùi hơi trong vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại số nhà 16, phường Hồng Châu, TP. Hưng Yên…

Trong tình hình xã hội ngày càng phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ ngày càng đòi hỏi phải tăng cường để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những năm gần đây, các lực lượng đã sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn rất hiệu quả như: vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; vụ sạt lở đất tại mỏ than Phấn Mễ, Đại Từ, Thái Nguyên; vụ sập mỏ đá tại Tân Sơn, Phú Thọ.

Đồng thời, lực lượng đặc biệt này đã tham gia vào việc giải quyết các “điểm nóng” về ANTT như: vụ gây rối tại 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung, Hà Nội; vụ tại Mường Nhé, Điện Biên; tham gia đấu tranh một số chuyên án, điển hình là chuyên án ma túy 279/LL tại Sơn La cùng với các lực lượng bắt giữ 5 đối tượng và thu giữ 148 bánh heroin; tham gia giám biệt mùi hơi trong vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Hưng Yên; tăng cường phối hợp, hỗ trợ Công an TP Hà Nội đảm bảo ANTT địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trong thời gian thi công tường rào sân bay Miếu Môn; phối hợp tham gia 2 chuyên án ma túy tại tỉnh Nghệ An, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 3 bánh heroin (khối lượng 1065,53 gam), 10.000 viên ma túy tổng hợp...; tham gia chống bạo loạn chính trị tại Tây Nguyên (2001- 2004); phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ tham gia truy bắt tội phạm, trấn áp đối tư

ợng chống người thi hành công vụ; dẫn giải can phạm, bảo vệ phiên tòa, bảo vệ thi hành án… Bên cạnh đó, đã tham gia bảo vệ an toàn các kỳ Đại hội của Đảng, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Hội nghị cấp cao ASEAN, ASEM 5, INTERPOL 80, APEC....; bảo vệ thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2; đảm bảo an ninh an toàn chuyến thăm của Tổng thống Liên Bang Nga; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam…; Khi có lực lượng quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ tham gia công tác bảo vệ đã có tác dụng răn đe, uy hiếp tâm lý tội phạm, làm giảm hành động quá khích, manh động của đối tượng, giải quyết nhanh, gọn vụ việc, bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ thực thi nhiệm vụ…

65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi thời kỳ lịch sử với tên gọi khác nhau, mô hình tổ chức khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đã luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, yêu mến, gắn bó với nghề nghiệp đặc thù để cùng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. Có được những thành tựu nêu trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, còn có sự phối hợp, ủng hộ giúp đỡ của các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân, giúp cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ trở thành “binh chủng đặc biệt”, lực lượng đặc thù của CAND Việt Nam.

Ghi nhận thành tích đã đạt được trong 65 năm qua, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ CAND, gồm: 2 Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba, 1 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 11 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại và được Bộ Công an, Tổng cục, Bộ Tư lệnh và UBND cấp tỉnh, thành phố khen thưởng.

Những tấm Huân chương, Cờ thi đua xuất sắc… ấy không những tôn vinh những việc làm, những chiến công của “binh chủng đặc biệt” này mà còn khẳng định sự trưởng thành của Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, sự đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, vượt qua khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự bình yên của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân của toàn thể cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ.

Đại tá Dương Đình Đoàn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ
.
.