Bé Cộng và chuyện tình người của các trinh sát hình sự

Thứ Tư, 18/01/2023, 10:58

10 cháu bé ấy có cái tên thật đặc biệt: Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh, được Công an Trung Quốc giải cứu và trao trả cho Cục Cảnh sát hình sự từ cách đây gần 10 năm. Những cậu bé ngày ấy mới chập chững biết đi, giờ đã học cấp 1, cấp 2. Trong cái nắng ấm của những ngày cuối năm, chúng tôi đã cùng các trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự gặp lại cậu bé tên Cộng, viết tiếp câu chuyện tình người của các trinh sát hình sự Việt Nam.

1. Cách đây gần 10 năm (5/2013), tại Thành phố Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã diễn ra lễ bàn giao 10 cháu bé sơ sinh trong đường dây mua bán trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Cục Hình sự- Bộ Công an Trung Quốc và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an Việt Nam. Đây là sự kiện gây sự chú ý đặc biệt, bởi chuyên án triệt phá đường dây buôn bán trẻ sơ sinh nói trên đã từng rúng động dư luận Trung Quốc. Cả 10 cháu đều là bé trai, bị bán từ lúc lọt lòng nên chưa cháu nào có được một cái tên để gọi.

Về phía Trung Quốc, hơn 2 năm kể từ khi được giải cứu, các cô bảo mẫu của Trung tâm bảo trợ Cảng Phòng Thành đã gọi các cháu bằng mã số từ 01 đến 10. Để việc bàn giao và đưa các cháu về đúng thủ tục, đoàn công tác của Cục Cảnh sát hình sự đã đặt cho các cháu 10 cái tên Việt Nam rất đặc biệt: Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh.

cf16fb537f33a76dfe22.jpg -0
Bé Cộng giúp mẹ nấu cơm.

Được biết, chuyên án này bắt nguồn từ việc cơ quan chức năng của Trung Quốc nhận được thông tin có một đường dây đưa trẻ sơ sinh từ  Việt Nam sang Trung Quốc qua sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh), nghi vấn buôn bán trẻ em. Đến 15/7/2011, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tiến hành phá án, bắt giữ 43 đối tượng trong đường dây buôn bán trẻ sơ sinh, khởi tố 24 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng là người Việt Nam.

Cơ quan chức năng đã tiến hành giải cứu được 10 cháu bé, trong đó cháu nhỏ nhất mới 10 ngày tuổi, lớn nhất 7 tháng tuổi. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng trong đường dây tội phạm trên khai nhận: chúng buôn bán trẻ em từ các tỉnh phía Nam Việt Nam, đưa bằng đường bộ và tàu hỏa đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) rồi vận chuyển các cháu vượt biên trái phép bằng đường đò qua sông Ka Long sang Trung Quốc.

Cháu bé khi ở Trung Quốc có biệt danh số 01, về Việt Nam được các trinh sát hình sự đặt tên là Cộng có tuổi đời nhỏ hơn cả. Mẹ của bé Cộng cũng được xác định tên là T.B, quê ở Thanh Hóa. T.B trước đây làm công nhân ở một khu công nghiệp trong TP Hồ Chí Minh, trót yêu nhầm một gã họ Sở, đến khi cô mang thai thì gã “cao chạy xa bay”.

Trong lúc hoang mang, lo lắng, bỏ con thì thương, vương lại thì không biết làm thế nào để nuôi đứa trẻ, T.B gặp một người đàn bà ở bến xe miền Đông, tự xưng là “cô Lan”, thuyết phục T.B sang Trung Quốc đẻ xong, sẽ cho đứa trẻ làm con nuôi, ngược lại T.B sẽ được nhận một khoản tiền. T.B đã đồng ý đi theo người của “cô Lan” sang Trung Quốc.

Vào tháng 11/2011, khi T.B vừa sinh con được vài ngày thì đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị Công an Trung Quốc triệt phá. Cháu Cộng cùng 9 cháu bé khác được giải cứu, đưa đến Trung tâm bảo trợ Cảng Phòng Thành nuôi dưỡng. Còn T.B bị Công an Trung Quốc bắt giữ về hành vi mua bán trẻ em. Sau hơn 2 năm, khi các thủ tục hoàn tất, Cộng và các bạn đã được bàn giao, đưa về Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh nuôi dưỡng.

Khi Cộng được khoảng 4 tuổi, chị T.B sau khi thụ án bên Trung Quốc đã trở về Việt Nam. Người đầu tiên chị T.B liên lạc khi trở về chính là Thượng tá Khổng Trọng Oanh, cán bộ Phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Phòng 5) Cục Cảnh sát hình sự, người đã thụ lý hồ sơ vụ việc của bé Cộng từ những ngày bé và 9 nạn nhân khác được Công an Trung Quốc giải cứu. Anh Oanh đã động viên T.B xóa bỏ mặc cảm, nhận lại con để bé Cộng có một mái nhà, có một gia đình để yêu thương. Sau đó, chính các cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự đã giúp chị T.B hoàn thiện các thủ tục pháp luật, xét nghiệm ADN để  đến Trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đón cháu trở về đoàn tụ với bà ngoại nơi quê nhà ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

2. Vào ngày 14/11 vừa qua, trong chương trình trao quà cho các nạn nhân bị mua bán người được giải cứu trở về có hoàn cảnh khó khăn do Báo CAND phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC thực hiện, chúng tôi đã gặp lại bé Cộng năm xưa. Hiện giờ, cậu bé đã 11 tuổi, được bà ngoại khai sinh lại tên là: Trịnh Khánh Ngọc, một cái tên khá đẹp với ước muốn của bà mong cháu có cuộc sống tươi tắn hơn.

Thế nhưng, cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo vẫn bám lấy bà cháu bé Cộng. Bà Nguyễn Thị Khuyến, bà ngoại cháu, tuy mới hơn 60 tuổi nhưng gương mặt già sọm, khắc khổ. Bà Khuyến kể rằng, sau một thời gian đưa cháu Cộng trở về nhà, do không có việc làm, mẹ Cộng lại bôn ba sang nước ngoài làm ăn. Mấy năm dịch bệnh liên miên, mẹ Cộng không thể trở về thăm, cũng không gửi được đồng nào cho 2 bà cháu. Dù sức khỏe yếu, bà vẫn cố gắng cấy 2 sào ruộng để lấy thóc ăn, rồi xem ai có việc gì cần thì làm thuê, lấy chút tiền lo thức ăn cho cháu.

949dac73de03065d5f12.jpg -0
Đoàn công tác của Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa trao quà của Báo CAND và nhà tài trợ tặng bà cháu bé Cộng.

Thời gian học mẫu giáo và hai năm đầu tiểu học, do làm giấy tờ xác nhận cho Cộng khó khăn nên bà Khuyến không xin được miễn học phí cho cháu. Thế nên, bà cứ đi vay, có chỗ phải vay lãi, để lấy tiền lo cho Cộng ăn học. “Cháu Cộng rất thích học, thấy cháu thèm thuồng nhìn các bạn đến trường tôi không chịu được. Tiền vay lo đóng học cho cháu, mua mì tôm cho cháu ăn buổi sáng khi đến trường, thi thoảng có chút thức ăn trong bữa cơm cho cháu đỡ tủi” – bà Khuyến bùi ngùi. Những năm sau này, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND xã, cháu Cộng được miễn học phí. Cuộc sống của 2 bà cháu đỡ cực nhọc hơn nhưng vẫn phải hết sức tằn tiện. Còn các khoản nợ trước, tuy chỉ khoảng chục triệu nhưng nó vẫn luôn đè nặng lên hai bà cháu.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà cháu bé Cộng, trong những năm qua, các cán bộ, trinh sát của Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự mỗi khi có dịp đi công tác ở Thanh Hóa vẫn ghé qua thăm 2 bà cháu, lúc gom cho cháu ít quần áo, lúc mang đồ ăn. Theo đề nghị của Cục, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cũng có các hoạt động hỗ trợ gia đình cháu Cộng. Khi đoàn công tác về trao số tiền 15 triệu đồng của chương trình từ thiện cho hai bà cháu, bé Cộng  ríu rít hỏi: “Các cô, chú ơi, ông Oanh không về ạ?”. “Ông Oanh” mà bé Cộng nhắc đến chính là Thượng tá Khổng Trọng Oanh. Anh Oanh và các trinh sát của Phòng đã nhiều lần ghé thăm, động viên cả về tinh thần và vật chất cho 2 bà cháu. Lâu không thấy anh Oanh ghé thăm hay gọi điện, bé Cộng lại mượn điện thoại của hàng xóm gọi điện cho “ông Oanh”, ríu rít kể chuyện cuộc sống của 2 bà cháu. Chính vì thế, khi có chương trình trao từ thiện, tạo sinh kế cho các nạn nhân bị mua bán người được giải cứu trở về, có hoàn cảnh khó khăn, các trinh sát đã nghĩ ngay đến trường hợp của bé Cộng.

Hôm đoàn công tác về trao, có đồng chí Ngô Xuân Ý, Phó Trưởng Phòng 5; đồng chí Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa và các cán bộ trinh sát của 2 đơn vị. Nhìn cháu bé linh hoạt, thông minh, lém lỉnh nhưng từ nhỏ đã phải thích nghi với cuộc sống vất vả, khó khăn, các anh đều thương cảm. Ngoài 15 triệu đồng của chương trình, anh Ý dúi thêm cho bà Khuyến 2 triệu đồng để lo cái Tết đang đến cho 2 bà cháu. Nhìn nụ cười tươi rói trên khuôn mặt cậu bé, trong lòng các trinh sát cảm thấy ấm áp hơn…

Những ngày gần Tết, liên lạc với bà cháu bé Cộng, tôi được bà Khuyến kể cho nghe, sau khi nhận được số tiền từ thiện trên, bà đã trả được hết các khoản nợ trước đây. Còn hơn 6 triệu, 2 bà cháu đưa nhau xuống bệnh viện tỉnh Thanh Hóa khám sức khỏe vì bà thì bị suy nhược, còn cháu Cộng hay bị đau bụng, ăn vào nhiều lần nôn thốc nôn tháo. “May quá, sau khi khám, các bác sỹ cho thuốc về uống, bé Cộng đã gần khỏi rồi cô à”. - bà ngoại Cộng vui vẻ cho biết. Tết này, 2 bà cháu không còn nhiều tiền sắm sửa, nhưng không còn bị nợ nần đeo bám, cảm giác đó đã khiến bà Khuyến và cháu Cộng đủ sung sướng lắm rồi. Bà Khuyến kể: “Cộng nó cứ ôm lấy bà thủ thỉ: Lớn chút nữa cháu đi làm được sẽ kiếm tiền về nuôi bà”.

Qua các trinh sát Phòng 5, chúng tôi được biết, chị T.B dù đang bôn ba nơi đất khách nhưng vẫn ngóng về quê nhà. Chưa thể về đoàn tụ cùng mẹ và con trai, nhưng chị vẫn biết về sự giúp đỡ của các trinh sát Phòng 5 đối với gia đình mình. Chị rất cảm kích, đó cũng là động lực khiến chị trở thành một cộng tác viên tích cực, giúp đỡ các cán bộ, trinh sát Phòng 5 trong các cuộc giải cứu nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài. Và đối với các trinh sát Phòng 5, đó chính là những mùa xuân vĩnh cửu…

Thu Hòa
.
.