Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề: Một năm “gặt hái” giải thưởng
Với 3 tác phẩm liền lúc đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI-2021 (sẽ được tổ chức trao tặng vào dịp 21/6/2022), trong đó có 2 giải B, 1 giải C, cùng nhiều giải thưởng báo chí uy tín khác của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, năm 2021 quả là một năm “bội thu” giải thưởng của Báo CAND.
Những loạt bài viết được đầu tư kỹ về nội dung, thời gian, trí tuệ của Đảng ủy, Ban Biên tập và đội ngũ phóng viên đã góp phần khẳng định vị thế của tờ báo có bề dày lịch sử trong lòng độc giả. Phía sau những giải thưởng dành cho các nhà báo, là sự dấn thân đầy “máu lửa” để thu về những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu mà nghề báo mang lại. Đời sống sôi động và đa chiều chính là môi trường tôi rèn nghề báo, là thử thách đặt ra giúp các nhà báo ngày càng trưởng thành, xứng đáng là những ngòi bút sắc tạo nên dấu ấn riêng của báo chí lực lượng CAND.
1. Tác giả Phan Đăng đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia thể loại phỏng vấn (báo in)
Đối với các lực lượng vũ trang, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của đất nước luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Thời điểm nhà báo Phan Đăng thực hiện bài phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Võ Tiến Trung - nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa xảy ra.
“Nhưng lúc đó, cả hai đồng chí đều nói rằng trên thế giới có thể xảy ra bất cứ biến động gì mà ta không lường hết được. Sống trong một thế giới mà những điều không tưởng nhất đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chúng ta phải lường trước năng lực bảo vệ Tổ quốc của chúng ta ra sao? Chúng ta sẽ phải làm gì? Bài phỏng vấn tôi thực hiện đã xoáy vào những vấn đề nhức nhối đặt trong tầm suy nghĩ của hai vị Thượng tướng trong bối cảnh hiện tại”. - Nhà báo Phan Đăng cho biết.
Cũng theo nhà báo Phan Đăng: “Thế kỉ XX, sau giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, khi nền kinh tế của nhân loại phát triển thì người ta đã có lúc tin rằng thế giới phẳng. Nhưng sau một giai đoạn tưởng như toàn cầu hoá, thế giới chuyển mình với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý, đặt nhân loại đứng trước những biến động khó lường. Việt Nam cũng đứng trước những biến động không lường được, vậy chúng ta cần những giá trị cốt lõi nào để bảo vệ an ninh quốc gia? Bài học từ những cuộc chiến trước đây liệu có thể áp dụng vào thế kỷ XXI để vừa ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, vừa không bị bất ngờ nếu chẳng may một cuộc chiến ập đến với mình? Tôi đã đặt ra vấn đề đó với hai đồng chí Thượng tướng.
Hai đồng chí đã chỉ rõ rằng, chúng ta có thể vận dụng những bài học của ông cha trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhưng việc vận dụng hệ giá trị cốt lõi ấy ở thế kỉ XXI sẽ khác với thế kỉ XX. Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta hiểu rằng đối đầu với người Mỹ là đối đầu với một quân đội nhà nghề, hiện đại, chính quy. Do vậy, muốn đánh họ và thắng họ, người Việt Nam bắt buộc phải có một cách đánh đặc biệt của riêng mình. Một trong những cách đánh ấy được gói lại trong mệnh đề rất đơn giản “Nắm thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tức là phải đánh gần, lấy sở trường của mình để đánh vào sở đoản của địch.
Từ thực tiễn chiến tranh và các nhận thức lý luận, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm đánh giặc đúng kiểu Việt Nam, vận dụng linh hoạt để đánh một kẻ to hơn, đấy là một giá trị cốt lõi. Nhưng sang thế kỉ XXI, giá trị cốt lõi đó phải được vận dụng như thế nào? Theo hai đồng chí Thượng tướng, “nắm thắt lưng” tức là luôn phải bám sát tình hình, phải canh, phải giữ, phải tính toán. Hiện nay chúng ta đang hoà bình, và chúng ta mong muốn xây dựng môi trường hoà bình, nhưng nguy cơ chiến tranh thì luôn thường trực. Đây là một cách vận dụng giá trị cốt lõi hết sức uyển chuyển”.
Cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ nhưng ý tưởng hình thành nên nội dung phỏng vấn đã được nhà báo Phan Đăng trăn trở, nghĩ suy cả một quá trình dài. Loạt bài 2 kỳ được đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng vào tháng 11/2021. Đặt trong bối cảnh về chủ quyền quốc gia hiện nay, nội dung cuộc trò chuyện đã gợi lên tâm thế và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, đúng như mong muốn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, là công tác giáo dục nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng phải đi kịp với công tác bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong báo giới, Phan Đăng được biết đến là một nhà báo trẻ năng nổ, tài hoa, rất chắc tay nghề. Tuy nhiên, cứ mải mê với công việc như vậy, chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện tập hợp tác phẩm để dự thi, kể cả với một giải như Giải báo chí Quốc gia. Tuy nhiên khi đọc, duyệt bài, Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND đã chú ý tới bài phỏng vấn nói trên của Phan Đăng nên nhắc anh đăng ký tác phẩm dự thi. Kết quả là tác phẩm đã lọt vào "mắt xanh" của cả Hội đồng sơ khảo lẫn Hội đồng chung khảo, để rồi cuối cùng nhận về phần thưởng xứng đáng.
2. Nhóm tác giả Cao Hồng – Phan Hoạt đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia thể loại phóng sự điều tra (báo điện tử)
“Sôi động sóng ngầm thị trường “bất động sản Bãi Giữa” sông Hồng” là tác phẩm của nhóm tác giả Cao Hồng – Phan Hoạt đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2021. Bài viết được đăng tải 5 kỳ trên Báo CAND vào tháng 4/2021 phản ánh tình trạng mua bán trái phép núp bóng chiêu bài “đất khai hoang”; xây dựng trái phép tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, gây nhức nhối trong nhân dân và nguy hại cho chính dòng chảy sông Hồng.
Quá trình xác minh đơn thư bạn đọc, nhóm tác giả phát hiện tình trạng mua bán, dựng nhà trái phép tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng. Cũng xin được nói thêm rằng, nhiều năm qua, Báo CAND là địa chỉ được bạn đọc tin tưởng gửi gắm thông qua những lá đơn, qua các cuộc gọi đến đường dây nóng, email… Đích thân đồng chí Tổng Biên tập chỉ đạo công tác xử lý, xác minh đơn thư, duyệt bài. Nhờ quy trình chặt chẽ này, những vấn đề điều tra mà Báo thực hiện luôn có tính chính xác cao, luôn nhận được sự tin tưởng của độc giả.
Ở một doi đất nổi chìm theo con nước mà có những giao dịch đất đai vẫn diễn ra. Điều gì khiến ngay giữa Thủ đô lại hình thành thứ giao dịch vi phạm trắng trợn Luật Đất đai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng? Để có thể thu thập đủ thông tin, lý giải thấu đáo vấn đề, nhóm tác giả đã bỏ nhiều thời gian thâm nhập thực tế, sắm vai “nhà đầu tư” đi mua đất ở Bãi Giữa sông Hồng để nắm bắt được cái gọi là “thị trường bất động sản Bãi Giữa” đã âm thầm diễn ra từ lâu.
Bài báo đã phơi bày thực trạng mua bán đất bất hợp pháp, dựng nhà trái phép… thời gian gần đây diễn ra rầm rộ với nhiều mánh khoé, khiến giá đất bị đẩy lên cao, đặc biệt từ khi có thông tin Thủ đô Hà Nội quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Thực trạng này đã làm giảm không gian thoát lũ, chứa lũ, dẫn đến hệ lụy khôn lường trong trường hợp xảy ra lũ lớn, cũng như làm gia tăng ô nhiễm môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Nhóm tác giả cũng đã có nhiều buổi làm việc với các cấp chính quyền địa phương để làm rõ vấn đề này. Những giải pháp cụ thể nhằm giải tỏa, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi mua bán đất trái pháp luật tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng cũng được đặt ra trong bài báo. Tạo dấu ấn với đề tài thời sự nóng bỏng, bằng những dữ liệu xác thực và lập luận thuyết phục, loạt bài viết là hồi chuông gióng lên cảnh báo về vấn đề nhức nhối khiến sông Hồng “kêu cứu”, thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.
3. Nhóm tác giả Thu Hoà – Minh Hiền – Xuân Mai đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia thể loại phóng sự điều tra (báo in)
Nhà báo Trần Thu Hòa, Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị chia sẻ: Kể từ ngày công tác tại Báo CAND, tôi đã được giao nhiệm vụ viết về mảng đề tài nghiệp vụ. Đó là viết về điều tra vụ án, về những bi kịch, những số phận đằng sau vụ án… từ đó rút ra bài học phòng ngừa trong xã hội. Dường như trăn trở nhiều nhất trong tôi là số phận những nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Hơn 20 năm, sự dạn nghề vẫn chưa bao giờ khiến tôi ngừng đau theo nỗi đau của các nạn nhân bị lừa bán mỗi khi được cơ quan điều tra cho phép tiếp xúc với họ. Bởi tôi cũng là phụ nữ, tôi thấu hiểu nỗi thống khổ của họ, khi họ phải làm nô lệ tình dục nơi đất khách, phải chịu những trò hành hạ để chặn đứng ý đồ bỏ trốn của các cô gái bị bán sang… Nhiều cô gái đã tìm mọi cách, thậm chí chấp nhận cái chết để thoát khỏi kiếp sống quá khủng khiếp hiện tại. Một cô gái quê ở Thái Bình do tìm cách nhảy từ tầng 3 của nhà chứa ở Trung Quốc để trốn chạy đã bị gãy, liệt chân. Khi em được cơ quan Công an giải cứu đưa trở về quê, nhìn hình ảnh người cha già ngày ngày cõng con gái lên trạm xá điều trị bệnh khiến tim tôi đau nhói…
Hai đồng nghiệp của tôi tham gia trong loạt bài này là Xuân Mai và Thanh Hiền - những phóng viên chuyên viết bài về mảng nghiệp vụ. Chúng tôi cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần lăn lộn với trinh sát các đơn vị Cảnh sát hình sự khám phá các đường dây mua bán người, giải cứu các nạn nhân bị lừa bán. Chỉ vẹn nguyên cảm xúc đau xót, thương cảm trước số phận các nạn nhân.
Trong chỉ đạo công tác tuần ngày 13/9/2021, Đại tá, Nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND giao nhiệm vụ cho Ban Thời sự - Chính trị viết tuyến bài nêu bật những nỗ lực của lực lượng Công an trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm mua bán người theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Nhận nhiệm vụ, nhóm phóng viên chúng tôi rất hào hứng nhưng cũng rất áp lực. Bởi hiểu về vấn đề này quá sâu sắc là lợi thế cho chúng tôi. Nhưng chọn được khía cạnh nào để tạo ra một góc nhìn mới cho độc giả quả không dễ. Khi làm đề cương cho tuyến bài, tôi đã phải tìm đọc gần 30 báo cáo, bài viết nghiên cứu của các tác giả là lãnh đạo, cán bộ trong ngành Công an về vấn nạn mua bán người.
Cuối cùng, một con số trong báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự khiến tôi đặc biệt chú ý: Trên 50% số nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về, được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám, chữa bệnh, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, đã ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi theo tuyến đề tài: “Ngăn chặn nạn mua bán người - giải cứu những phận đời cùng cực”.
Trong loạt bài 5 kỳ được triển khai khá công phu, có cấu trúc chặt chẽ, đã phản ánh nỗi thống khổ của các nạn nhân bị lừa bán sang đất khách và ngay cả vào các động mại dâm trong nước; cuộc chiến của lực lượng Công an trong nội địa, ngoài biên giới để triệt phá các đường dây mua bán người, giải cứu các cô gái bị lừa bán trở về; với sự trợ giúp của lực lượng Công an, của các tổ chức đoàn thể, rất nhiều số phận nạn nhân đã được hồi sinh, sang trang mới…
Lần này, làm về đề tài vấn nạn mua bán người, chúng tôi không chỉ xót xa, mà còn nhìn thấy những câu chuyện tình người, có được những niềm vui khi gặp gỡ những nạn nhân trở về đã có trang đời tươi mới hơn…
4. Nhóm tác giả Duy Hiển - Anh Hiếu - Quỳnh Vinh đoạt giải B Giải báo chí Toàn quốc “Báo chí toàn quốc về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.”
Trong những ngày tháng “chống dịch như chống giặc”, thực trạng “giữ giá", "thổi giá" trong mua sắm thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh đã xuất hiện từ trước nay, bùng lên khiến dư luận vô cùng bức xúc. Do đó việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật này càng trở nên cấp thiết hơn. Tháng 4/2020, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng phòng, chống tội phạm, trong đó lực lượng Cảnh sát kinh tế làm chủ công nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ thông đồng, nâng “khống” giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Từ những mắt xích đầu tiên này, lực lượng CAND đã mở rộng đấu tranh, phát hiện thêm nhiều sai phạm trong lĩnh vực y tế.
Ở thời điểm đó, loạt bài 3 kỳ "Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19” của nhóm tác giả Duy Hiển, Anh Hiếu, Quỳnh Vinh đăng tải trên Báo CAND vào tháng 6/2021 đã “chạm” đến vấn đề rất “nóng” và thời sự. Cuộc chiến đầy cam go, thử thách của lực lượng CAND với tội phạm tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực y tế trong bối cảnh nhạy cảm đã được nhóm tác giả tái hiện chân thực.
Việc tiếp cận được nguồn tin và hồ sơ vụ việc là một thử thách không nhỏ đặt ra cho nhóm tác giả. Bởi hoạt động điều tra của cơ quan Công an phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của pháp luật và bảo vệ bí mật nghiệp vụ, chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến loạt bài không thực hiện được. Hơn nữa, có thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc giao tiếp, di chuyển của phóng viên để lấy tài liệu, kiểm chứng các thông tin, bám sát quá trình điều tra của lực lượng Công an đều gặp những hạn chế.
Nhưng ý thức rõ trách nhiệm, lương tâm phải vào cuộc điều tra phản ánh, cảnh báo kịp thời, đóng góp tiếng nói trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhóm tác giả đã vượt lên mọi khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Với sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng CAND, sự chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập Báo CAND, trực tiếp là Tổng Biên tập - Đại tá Phạm Khải, loạt bài đã được hoàn thành đúng yêu cầu, tiến độ đặt ra.
Với tính chiến đấu, dự báo, cảnh báo thể hiện rõ nét, loạt bài “Phá án tham nhũng trong đại dịch COVID-19” đã thể hiện được sự bắt kịp, dự báo vấn đề, khả năng đeo bám đề tài, sự đồng hành cùng lực lượng CAND “đánh án” của nhóm tác giả. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế giữa đại dịch đã góp phần giảm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực với người dân; cảnh tỉnh và ngăn ngừa nhiều tổ chức, cá nhân có ý định lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, làm ăn phi pháp… Loạt bài đã đoạt giải B Giải Báo chí Toàn quốc “Báo chí toàn quốc về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực” năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
5. Tác giả Đăng Trường đoạt giải B Giải Báo chí “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”
“Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng” là loạt bài 5 kì được thực hiện công phu, sâu kĩ của nhà báo Đăng Trường đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng vào tháng 8, tháng 9 năm 2021.
Trong loạt bài viết này, tác giả đã làm rõ những vấn đề về vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đang đặt ra nóng bỏng hiện nay. Thứ nhất, các kết luận của Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho thấy, vấn đề khá phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, đây được xem là nguyên nhân của các nguyên nhân dẫn đến những sai phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và gây tâm lý bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, xét từ thực tiễn các vụ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nổi cộm, nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất chính là ở người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Thứ ba, đó là sự nguỵ tạo hay giả dối, thành tích. Rất nhiều tập thể, cá nhân chỉ đến khi UBKT Trung ương vào cuộc, làm rõ mới lộ diện hàng loạt sai phạm, nội bộ mất đoàn kết, mất dân chủ nghiêm trọng, nhưng thời gian trước vẫn báo cáo với hàng loạt thành tích “đoàn kết, nhất trí, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ”, nhiều người còn được khen thưởng và… tín nhiệm cao!?
Thứ tư, khi nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì các thế lực xấu vin cơ hội này tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cổ xuý tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ tính đúng đắn và kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ là yêu cầu, đòi hỏi khách quan.
Loạt bài viết đã đưa ra những kiến nghị cấp thiết để khắc phục tình trạng mất tập trung dân chủ, đảm bảo nguyên tắc rường cột của Đảng trở về đúng nghĩa, phát huy sức mạnh nội tại. Loạt bài đã nhận nhiều phản hồi tích cực của độc giả, trong đó có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đoạt giải B, Giải Báo chí “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trong tình hình mới do Báo Quân đội nhân dân tổ chức năm 2021.
Ngoài vinh dự được nhận các Giải thưởng Báo chí dành cho cá nhân, trong năm qua, tập thể Báo CAND còn vinh dự được nhận:
Huân chương Lao động hạng Nhất (đột xuất) "vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của lực lượng Công an góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ "vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ “vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền”.
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an “vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong triển khai thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất và quản lý căn cước công dân".
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao “vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020".
Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam “vì đã có thành tích xuất sắc trong Hội Báo xuân năm 2020".