Bàn giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang
Ngày 18/9, tại An Giang, Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Tác động, dự báo; phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang”.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại tá, TS Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cùng chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn của hội thảo, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm vừa qua, tuy đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng An Giang vẫn được coi là “tỉnh nghèo”, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015-2020 đạt 5,25%, đứng thứ 11 trong khu vực ĐBSCL. 6 tháng đầu năm 2024 An Giang tăng trưởng GRDP là 6,6%, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố cả nước. Các ngành kinh tế nông nghiệp, thương mại và du lịch chưa tạo đột phá trong đóng góp cho tăng trưởng. Kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp chưa phát huy hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định, dưới góc độ an ninh quốc gia nói chung, an ninh kinh tế nói riêng đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế cần giải quyết để An Giang phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết, đây là lần thứ 2 Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang. Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Công an tỉnh An Giang; Công an các tỉnh,thành phố vùng ĐBSCL và các nhà khoa học của Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Hội thảo lần này nhận được 25 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia với nội dung phong phú, đa dạng giàu tính lý luận cũng như thực tiễn. Nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra mang tính toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn, nếu được áp dụng có tính khả thi cao. Hội thảo cũng diễn đàn để các nhà khoa học, đại biểu trong và ngoài lực lượng Công an, các tác giả có bài viết khoa học đưa ra những luận cứ khoa học, giải pháp hiệu quả giúp kinh tế tỉnh An Giang phát triển bền vững, nhất là đánh giá các yếu tố tác động từ bên ngoài.
Đại tá Lâm Phước Nguyên nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, An Giang tiếp tục là địa phương trọng điểm với thế mạnh nông nghiệp, cây lúa và con cá tiếp tục là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp, năng lượng đi vào hoạt động, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư xây dựng và cải thiện. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh. ANTT được giữ vững và tăng cường, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân không ngừng được củng cố, mở rộng. Tuy nhiên, với sự tác động to lớn của bối cảnh suy thoái toàn cầu, các mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống tiếp tục ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển bền vững của tỉnh An Giang.
Sau khi lắng nghe các báo cáo tham luận tại hội thảo, Giám đốc Công an tỉnh An Giang yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu, làm rõ thêm tình hình các mối nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế của tỉnh An Giang. Từ đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thích ứng linh hoạt với tình hình.