Bài cuối: Cơ sở pháp lý để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự thêm động lực cống hiến
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thi hành, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng, kiện toàn, củng cố sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Và đây cũng chính là cơ sở pháp lý để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn…
Đại tá Nguyễn Bình Hưng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được bố trí Công an chính quy phụ trách, song lực lượng khá mỏng (trung bình 8,2 cán bộ/xã). Trước đây, các lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng và Công an viên thôn, buôn đều tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hỗ trợ nên lực lượng này giải thể, gây khó khăn trong công tác hỗ trợ Công an xã chính quy bảo vệ ANTT địa phương. Theo quy định của HĐND tỉnh, thì chi phí hỗ trợ cho lực lượng này mỗi tháng cao nhất là 1.490.000 đồng/người, thấp nhất là 223.000 đồng/người.
Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tự nhiên rộng thứ 4 cả nước với đa dạng các thành phần dân tộc, nhiều xã biên giới, miền núi, cũng là tỉnh trọng yếu, chiến lược về an ninh, quốc phòng. Do đó, việc đảm bảo ANTT trật tự ngay tại cơ sở được xem là cốt lõi bảo đảm sự thành công trong giữ gìn ANTT trên toàn địa bàn.
“Thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Vì vậy, ngoài vai trò nòng cốt của Công an chính quy cấp xã, rất cần sự tham gia tích cực của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng”, Đại tá Hưng nêu.
Đại tá Trần Bình Hưng cũng cho rằng, trước yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì, tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn với tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách Nhà nước. Mặt khác, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở...
Thực tế đã chứng minh, lực lượng tham gia đảm bảo ANTT tại cơ sở là lực lượng trực tiếp gần dân, quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nắm và giải quyết tình hình ANTT nhanh nhất tại cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế sự phát sinh của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội xảy ra. “Họ là những người sinh ra, lớn lên tại cơ sở nên nắm vững địa bàn, phong tục tập quán của người dân. Thời gian qua, lực lượng này luôn kề vai, sát cánh cùng lực lượng Công an chính quy, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bám sát địa bàn, gần sát người dân để giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; không ngừng củng cố và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại tá Hưng phân tích.
Cùng quan điểm, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực từ 1/7/2024 và mới đây, HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, xóm, khối, bản. Đây chính là nguồn động viên để lực lượng này duy trì và phát huy tốt hiệu quả hoạt động, tiếp tục lập nhiều thành tích hơn nữa, nòng cốt hỗ trợ Công an xã, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an chính quy. Từ đó, góp phần giữ vững ANTT tại cơ sở, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân”.
Cũng theo Đại tá Liêm, trong nhiều năm qua, lực lượng này đã có nhiều đóng góp quan trọng, hỗ trợ tích cực cho các cấp chính quyền và lực lượng Công an địa phương trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như các phong trào thi đua yêu nước. “Mặc dù còn nhiều khó khăn về chế độ, chính sách, song các thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để cống hiến cho nhiệm vụ chung, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở”, Đại tá Liêm cho hay.
Nói thêm về công tác phổ biến, triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ông Ka Rô Chinh, Bí thư Đảng uỷ xã Chư Hreng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết: “Đây là lực lượng chủ yếu ở thôn, tổ dân phố, chức năng nhiệm vụ chính của lực lượng này là bảo vệ ANTT, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy và bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động, giáo dục những người vi phạm pháp luật…
Chính vì vậy, lực lượng này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở nên khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực thi hành, lực lượng này sẽ được bố trí phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt là nơi làm việc và các nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, khi tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, các thành viên sẽ được cấp phát trang phục, phù hiệu và thực hiện chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng, tạo động lực và điều kiện để lực lượng này tham gia đạt kết quả cao nhất”.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thi hành, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng, kiện toàn, củng cố, sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Do đó, việc xây dựng, bố trí lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở vừa là đòi hỏi cấp thiết, vừa là yêu cầu có tính khách quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật liên quan đến ANTT ở địa bàn cơ sở.