Bài 2: Gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Tô Lâm đối với CBCS là phải chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý, tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên"...
"Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên", "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn", "xử lý một vài người để cứu muôn người" - là mục tiêu cao nhất của Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là ý chí của lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, nhằm góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, ổn định, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước.
"Xử lý 1 vụ, cảnh tỉnh cả vùng"
Trong công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Tô Lâm đối với CBCS là phải chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý, tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên".
Quán triệt yêu cầu này, suốt những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, lực lượng Công an đã thực hiện triệt để, đấu tranh, làm rõ sai phạm của các đối tượng, đồng thời ngăn chặn, cảnh tỉnh không để các sai phạm tương tự xảy ra. Đây cũng là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra.
Điển hình như trong lĩnh vực y tế, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, trước yêu cầu đặt ra trong công tác phòng, chống dịch là phải nhanh chóng trang cấp máy xét nghiệm COVID, sớm phát hiện người nhiễm bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly, chữa bệnh, Chính phủ đã bố trí ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng cho các địa phương chủ động tổ chức đấu thầu, mua sắm. Qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an phát hiện giá nhiều gói trúng thầu cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, trục lợi.
Với mục tiêu, yêu cầu phải khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Cảnh sát kinh tế tiến hành đồng loạt các biện pháp trinh sát để rà soát, xác minh hàng trăm gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID ở các tỉnh, thành liên tục trong nhiều tháng trời và xác định "điểm đột phá" là gói thầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Qua đó, làm rõ được hành vi thông đồng giữa lãnh đạo CDC Hà Nội với nhà thầu là Công ty MST để nâng giá mua máy xét nghiệm COVID từ 2,3 tỷ lên trên 7 tỷ đồng với thủ đoạn mua bán lòng vòng qua 4 công ty khác nhau.
Vụ án tại CDC Hà Nội là "phát súng khai hỏa" để tiếp tục phát hiện, điều tra, đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm quy định về đấu thầu, tham nhũng, trục lợi xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức, Công ty Việt Á... Đặc biệt, công tác này đã kịp thời ngăn chặn sai phạm tương tự trong việc mua sắm máy xét nghiệm COVID, vật tư stent tim, thiết bị robot phẫu thuật… ở các bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước, ngăn chặn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bệnh, đưa chi phí khám chữa bệnh giảm về giá trị thật, ngăn chặn thiệt hại quỹ bảo hiểm xã hội. Việc phát hiện, điều tra xử lý các vụ án nói trên đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp câu kết kiếm tiền bất chính trên nỗi đau của người bệnh.
Hay trong lĩnh vực giáo dục đào tạo - một lĩnh vực giữ vai trò, nhiệm vụ rất lớn trong phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, đổi mới căn bản, toàn diện nên đã dành nguồn ngân sách lớn mua sắm trang thiết bị giáo dục, tập trung tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục tại địa phương từ cấp mầm non cho đến đại học. Tuy nhiên, một số đối tượng trong ngành này đã lợi dụng sự quan tâm trên để tư lợi cá nhân. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện quá trình triển khai có dấu hiệu bất thường khi giá trúng thầu cao hơn nhiều giá nhập khẩu và thường do 1 công ty hoặc nhóm công ty liên tiếp trúng thầu trong tỉnh hoặc ở nhiều tỉnh, thành khác.
Với quyết tâm làm rõ sai phạm để răn đe, phòng ngừa chung, các đơn vị thuộc Bộ Công an đã tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp, trong thời gian ngắn đã liên tiếp khởi tố nhiều vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực này, khởi tố nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá; nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và hàng chục đồng phạm là cán bộ ngành Giáo dục, Tài chính và các đối tượng là doanh nghiệp câu kết với các cán bộ trên.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Một vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra, được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đã khởi tố hơn 100 bị can, trong đó có nhiều cán bộ từng là Ủy viên Trung ương Đảng như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh là vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, các đối tượng chuyển tiền lòng vòng qua người nhà, qua hiệu vàng để che giấu, cơ quan điều tra đã thu thập, làm rõ các mối quan hệ, giao dịch và dòng tiền, nguồn tiền bất minh để đấu tranh truy xét, làm rõ được việc các đối tượng chuyển tiền "lại quả" để đấu tranh.
Khi cơ quan điều tra vào xác minh, các đối tượng tìm mọi cách hợp thức hồ sơ, bàn bạc thống nhất khai báo và sau khi bị bắt các bị can khai báo nhỏ giọt, đổ lỗi cho người khác, không thừa nhận có việc ăn chia, thông thầu. Nhưng với chiến thuật truy xét bài bản, đấu tranh, đấu lý kết hợp với giáo dục, động viên bị can khai báo để hưởng khoan hồng của pháp luật, các bị can đã từng bước khai nhận hành vi phạm tội. Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu sử dụng kit test COVID tăng cao, các đối tượng đã "hợp thức" việc sản xuất, mua bán, nâng khống giá bán kit test bằng thủ đoạn đăng ký đề tài khoa học, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép lưu hành sản phẩm và xác định giá khống đó, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra.
Cũng với quyết tâm "không bỏ lọt tội phạm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ", các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã củng cố tài liệu, chứng cứ, khởi tố hàng chục cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý khác. Trong đó, vụ án tại UBND TP Hà Nội đã khởi tố nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; vụ án tại Tổng công ty Sản xuất XNK Bình Dương đã khởi tố 3 bị can nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư Thường trực; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; vụ án tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án lợi dụng chuyến bay giải cứu để trục lợi đã khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao…
Đặc biệt, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm trong lực lượng này, điển hình như: Khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang; 2 cán bộ TAND và một cán bộ Viện KSND; hàng chục cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương…
Qua công tác điều tra các vụ án, cơ quan Công an đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm, đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm về mặt Đảng đối với tổ chức đảng, cá nhân sai phạm với phương châm "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn" theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là "xử lý một vài người để cứu muôn người".
Việc đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm (trong đó có nhiều bị can từng giữ chức vụ cao cấp của tỉnh ủy, bộ, ngành Trung ương), khẳng định quyết tâm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện đúng đắn tính nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
"Bịt" các "lỗ hổng" về pháp lý
Từ công tác điều tra các vụ án, Bộ Công an đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều chủ trương, chính sách để "bịt" các "lỗ hổng" về pháp lý, phòng ngừa vi phạm. Như qua đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Công an đã có nhiều kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; trong đó nhiều quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân như tự động giãn thời hạn đăng kiểm cho các xe ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải; miễn kiểm định lần đầu đối với các phương tiện đăng ký mới…
Trong lĩnh vực đấu thầu, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát và tăng cường giám sát toàn bộ các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục. Kết quả, nhiều gói thầu không thực hiện được hoặc điều chỉnh về đúng giá thực tế, đã ngăn chặn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Từ kiến nghị của Bộ Công an, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 20 ngày 1/10/2020 chỉ đạo công khai và điều chỉnh giảm giá thuốc, chi phí khám chữa bệnh, chi trả bảo hiểm y tế đúng thực tế, qua đó đã bảo vệ kịp thời quyền lợi, góp phần tiết kiệm chi phí hàng nghìn tỷ đồng khám chữa bệnh của nhân dân (điển hình như Bệnh viện Bạch Mai đã giảm 18 dịch vụ khám chữa bệnh về bằng mức Bảo hiểm xã hội chi trả...) Đặc biệt, từ kiến nghị của Bộ Công an, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), góp phần tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong hoạt động đấu thầu.
(còn nữa)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua công tác điều tra, lực lượng CAND đã chứng minh, làm rõ yếu tố tư lợi khiến phần lớn người vi phạm "tâm phục, khẩu phục", nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước (nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt); khẳng định rõ chống tham nhũng, tiêu cực không làm cản trở phát triển kinh tế-xã hội, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước mà trái lại, góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ, đưa giá trị xuất đầu tư và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực..., đóng góp tích cực vào tăng trưởng của đất nước trong những năm qua.