Bài 1: Xuân sớm ở đảo tiền tiêu
Tàu Hải quân 561 lướt sóng ra khơi, rời cảng Cam Ranh, Khánh Hoà chở theo Đoàn công tác CBCS Hải quân cùng hơn 40 phóng viên báo chí đến với các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa...
Trên mạn tàu, dưới sân cảng, chúng tôi bắt gặp nụ cười, ánh mắt bịn rịn, những cánh tay vẫy chào lưu luyến của CBCS ra đảo công tác với người ở lại đất liền, hậu phương vững chắc, chứa chan bao niềm tin, khát vọng và ước mơ được cống hiến sức trẻ để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi ngay trước thềm năm mới 2023 thật đặc biệt, đong đầy tình cảm yêu thương từ đất liền, chở hàng hoá, nhu yếu phẩm mang đậm hương vị Tết cổ truyền đến với huyện đảo Trường Sa thân yêu.
Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, khi ánh dương bắt đầu ló rạng, thị trấn Trường Sa xinh đẹp thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà hiện ra trước mắt chúng tôi qua những ô cửa sổ của tàu 561 trước khi cập vào âu tàu. Đảo Trường Sa (hay được gọi là Trường Sa lớn) được ví von như trái tim của cả quần đảo Trường Sa đã chào đón Đoàn công tác và các phóng viên bằng nghi lễ trang trọng truyền thống đón đoàn của CBCS các lực lượng và nhân dân trên đảo. Khoảng thời gian quý giá hai ngày ở trên đảo, chúng tôi được tác nghiệp, được sống trong không khí rộn ràng của quân và dân với nhiều hoạt động chuẩn bị đón mùa Xuân mới, vui Tết truyền thống đủ đầy, ấm cúng.
Vinh dự, tự hào được công tác, chiến đấu ở Trường Sa
Quần đảo Trường Sa là “phên giậu, tai mắt” của Việt Nam trên biển Đông. Nhận thức rõ tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta cùng Bộ Quốc phòng, quân và dân cả nước đã luôn quan tâm, hướng tới Trường Sa cùng chung tay xây dựng quần đảo trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện. Những thông tin quý báu này đã được chúng tôi tìm hiểu trước khi đến đảo Trường Sa.
Đến đảo, bước qua cổng chào bề thế uy nghiêm với dòng chữ UBND tỉnh Khánh Hoà, thị trấn Trường Sa, chúng tôi thong dong tản bộ dưới hàng cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp xanh mướt mắt đến khu trung tâm nơi có cột mốc chủ quyền. Đón chúng tôi là Thượng tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa và đông đảo CBCS.
Vừa giới thiệu sơ bộ về đảo Trường Sa, cung cấp các thông tin cho anh, em báo chí, anh Hưng vừa giới thiệu chức danh của mình và hóm hỉnh không quên dặn các phóng viên rằng sắp tới anh sẽ trở về đất liền nhận nhiệm vụ công tác mới nên chức danh Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa sẽ do Thượng tá Phạm Thế Nhương đảm nhiệm.
Ngay khi vừa đặt chân lên đảo, Đoàn công tác và CBCS trên đảo đã có một hoạt động đầy ý nghĩa, dâng hương, dâng hoa thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Điều đặc biệt nữa là Đoàn công tác đã cùng quân và dân trên đảo đi lễ tại Chùa Trường Sa đúng ngày mồng 1 tháng Chạp của năm Nhâm Dần 2022. Trên hòn đảo xinh đẹp giữa biển khơi chan hoà nắng gió, nghe tiếng chuông chùa ngân vang cảm giác bình yên, an lành, lan toả năng lượng tích cực ùa về. Và tranh thủ trước khi đi tác nghiệp, tôi đã mang món quà từ đất liền, món quà ý nghĩa mà những người làm báo Công an nhân dân gửi tặng CBCS, quân và dân Trường Sa đó chính là các ấn phẩm số đặc biệt của Báo CAND và các chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ Công an.
Để nhóm PV hiểu hơn về cuộc sống của quân và dân trên đảo, nhất là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo đất nước của CBCS, Trung tá Trần Quang Phú, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh đảo. Cảm xúc thật đặc biệt khi tham quan các vọng gác, điểm gác tiền tiêu, chúng tôi gặp những chiến sỹ Hải quân vóc dáng chắc khoẻ, da ánh màu đồng dày dạn sương gió đang chắc tay súng bảo vệ vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo chân tổ công tác ra điểm tuần tra, chúng tôi không khỏi xúc động khi ngay dưới chân sóng, sát bờ kè, hoạt động tuần tra vẫn được tiến hành dù cho thời tiết có khắc nghiệt thế nào. Sóng cao ập đến chân bờ nhưng tổ tuần tra không hề nao núng, vẫn chắc tay súng giữ biển trời quê hương. Tổ trưởng tổ tuần tra đêm hôm ấy do Trung uý Đỗ Minh Ngọc đảm nhiệm cùng Binh nhất Nguyễn Tuấn Kiệt và Binh nhất Nguyễn Tuấn Anh. Trung uý Ngọc mới ra đảo công tác từ tháng 7 và là người có nhiều kinh nghiệm, lớn tuổi nhất trong tổ tuần tra nhưng rất kiệm lời. Binh nhất Nguyễn Tuấn Kiệt, sinh năm 2003, quê Phú Yên vừa mới ra đảo đã háo hức, vui vẻ kể chuyện cho chúng tôi về công tác chuẩn bị, cũng như tâm thế sẵn sàng chiến đấu mỗi khi thực hiện nhiệm vụ.
Có dịp trò chuyện với họ, chúng tôi mới cảm nhận được rằng mỗi CBCS không chỉ yêu đất nước, yêu quê hương bằng trái tim nóng mà còn được thể hiện bằng sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, bằng sự rèn luyện ý chí, sức khoẻ, có bản lĩnh vững vàng, tinh thần quả cảm vượt khó để bảo vệ từng tấc đất, biển đảo thiêng của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, những năm qua, việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên và chỉ huy các cấp; các khâu đột phá của các cấp, các ngành; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác đã được chỉ huy, CBCS đảo Trường Sa triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đơn vị đã vận dụng, cụ thể hóa sát vào điều kiện của đơn vị, ra nghị quyết lãnh đạo một cách toàn diện, sát đúng; xây dựng thành kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Đặc biệt, Đảng uỷ, chỉ huy đơn vị đã lãnh đạo quán triệt cho 100% CBCS, đảng viên thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng về vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” năm 2022, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Chiều Xuân trên đảo tiền tiêu, chúng tôi có dịp đến Đồn Biên phòng Trường Sa chứng kiến những người lính mang quân hàm xanh vẫn miệt mài canh gác, tuần tra ven biển, với mục tiêu cao nhất không để bị động, bất ngờ.
Thiếu tá Nguyễn Đức Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa chia sẻ, với đặc thù đóng quân nơi tuyến đầu Tổ quốc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, với mỗi CBCS được công tác tại đảo Trường Sa đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự, tự hào. Nhận thức được điều đó, CBCS đơn vị luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Sôi nổi nhiều hoạt động đón Tết sớm
Không khí đón Tết sớm ở Trường Sa cũng rộn ràng không kém gì đất liền, khắp đảo, trước nhà dân mọi người đều treo cờ Tổ quốc. Trong nhà, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh kẹo đủ đầy được đặt trang trọng trên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ gia tiên. Điều đặc biệt ở đây chính là mọi người cùng phấn khởi trang trí đèn nhấp nháy trên cây cảnh được làm bằng vô số vỏ sò, vỏ ốc biển. Đến thăm một nhà dân, chúng tôi xúc động khi thấy anh Nguyễn Minh Vinh đang chỉnh trang ảnh Bác Hồ trên bàn thờ, còn vợ anh - chị Sông đang dọn dẹp nhà cửa.
Vừa nâng niu đưa cây hoa ốc đặt trên bàn thờ xuống lau chùi sạch sẽ, anh Vinh cho biết, do điều kiện ở đảo ít có hoa tươi nên hầu như trong nhà người dân quanh năm đều trưng hoa ốc trên bàn thờ, hoa chủ đạo ở Trường Sa. Đây là món quà quý từ biển quê hương có ý nghĩa đặc biệt với người dân sinh sống trên đảo.
Đi dạo quanh đảo, chúng tôi bắt gặp các cháu nhỏ chạy tung tăng háo hức, vui mừng đón Tết sớm. Không khí chuẩn bị đón năm mới của quân và dân trên đảo vô cùng ấm cúng và rộn ràng. Trò chuyện với chị Minh Cúc và chị Mỹ Dung khi đang tất bật lựa chọn, phân loại rau củ quả, đồ thực phẩm cho dịp Tết, các chị cho biết, mỗi khi có tàu ra đảo, các hộ gia đình lại cùng nhau đặt mua đồ thực phẩm từ đất liền vào để cải thiện bữa ăn.
Dịp Tết, các hộ gia đình đều nhận được sự quan tâm của chính quyền đảo, CBCS Hải quân và các đơn vị đóng quân trên đảo gửi tặng những món quà Tết truyền thống và nhu yếu phẩm. Khi chúng tôi đến đảo, anh Lâm Ngọc Vinh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Phương Dung vừa cùng bà con trong đảo nấu chè cúng lễ gia tiên. Câu chuyện rộn ràng, tiếng cười rộn vang khắp đảo khi họ hỏi thăm nhau, chia sẻ những câu chuyện đầu năm mới.
Những ngày lưu lại trên đảo, chúng tôi đã được hoà mình trong không khí rộn ràng của các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, gói bánh chưng, chuẩn bị trang trí những cây ốc biển, cây mai, cây quất… Mùa Xuân đã đến thật gần nơi đảo tiền tiêu nhưng bên dưới chân sóng, đâu đó vẫn có những CBCS đang chắc tay súng, giữ vững biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Phạm Thế Nhương, khi ấy đang chuẩn bị tiếp quản chức Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Tết truyền thống ở trên đảo cũng có nhiều hoạt động như ở đất liền, tuy nhiên, với chỉ huy, CBCS không có khoảng cách, họ thường quan tâm, hỏi thăm, động viên nhau như gia đình. Bởi giữa trùng khơi, trên đảo chỉ có quân và dân, ngày thường đã gắn kết, Tết đến khi nhà nhà sum họp thì ở đảo độ gắn kết cao giữa mọi người, xích lại gần nhau hơn. Anh chia sẻ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân cả nước tin tưởng giao nhiệm vụ, đây là niềm vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề hơn với mỗi CBCS đảo Trường Sa: “Trước hết, chúng tôi sẽ đoàn kết tất cả các lực lượng trên đảo, tạo nên sức mạnh giữ vững chủ quyền. Đặc biệt là phát huy sức mạnh, tiếp nối truyền thống của lớp cha anh đi trước, xứng đáng với tiền tiêu, xứng đáng với Trường Sa là một phần máu thịt của cả nước. Chúng tôi sẽ triển khai toàn diện các mặt công tác, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ bình yên cho đất liền cùng chung vui với đảo tiền tiêu trong mùa Xuân mới”...