Công an xã, phường ngày cận Tết

An ninh chủ động ở thượng nguồn dòng Cu Đê (kỳ cuối)

Thứ Ba, 30/01/2024, 08:18

“Đâu chỉ nằm lòng phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, anh em chúng tôi còn luôn nỗ lực với vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, luôn gần gũi, sâu sát, thấu hiểu đời sống, tâm tư của đồng bào. Khi được đồng bào thương thì việc gì cũng thuận lợi”...

Đó là lời bộc bạch của Thượng uý Bùi Văn Hoàng (Alăng Hoàng) – một Cảnh sát khu vực “đặc biệt” của đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) - khi đón chúng tôi tại trụ sở Công an xã giữa cơn mưa phùn đầu xuân…

Hòa Bắc nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê, là một xã miền núi vùng cao, nơi có số lượng đồng bào Cơ tu tập trung, sinh sống đông nhất của TP Đà Nẵng. Hòa Bắc có diện tích tự nhiên rộng, giáp ranh trải dài, chung núi, chung rừng, liên tuyến đường giao thông, cao tốc với tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Hòa Bắc lại cũng là nơi có tiềm năng về lâm - khoáng sản nên một số đối tượng lén lút khai thác trái phép, từ đó tình hình ANTT ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là gây khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác quản lý địa bàn.

ca-xa-hoa-bac-01.jpg -0
Đại diện các già làng, trưởng bản cùng CBCS Công an xã Hoà Bắc tại Hội nghị toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Hòa Bắc năm 2023.

Từ khi lực lượng Công an chính quy được bố trí về xã, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm củng cố. Đi liền đó, Công an xã Hòa Bắc đã tham mưu chính quyền địa phương xây dựng nhiều mô hình về phòng, chống tội phạm, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nổi bật có thể kể đến các mô hình như: “3 không”, “Thôn tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, “Thôn không có tệ nạn xã hội”, “Con em nông dân người đồng bào dân tộc Cơ Tu nói không với vi phạm pháp luật” hay “Zalo phòng, chống tội phạm, người Cơ Tu bảo vệ vùng giáp ranh”... để thường xuyên trao đổi thông tin, nắm chắc địa bàn, đối tượng.

“Trong năm 2023, phát hiện có các đối tượng địa phương khác đến phát tán tài liệu truyền đạo trái phép, Công xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình và xử lý kịp thời. Hay như việc vào đầu năm học 2023-2024, sau việc một số người dân thôn Nam Yên chưa đồng tình chủ trương dồn ghép điểm trường tiểu học, các đối tượng xấu lợi dụng đăng tin bài không đúng sự thật lên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong quần chúng nhân dân... Nhưng nhờ thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nên đến nay trên địa bàn xã không có “điểm nóng” về an ninh nông thôn, không có tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, không có băng nhóm hoạt động theo kiểu đòi nợ “xã hội đen”, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng dân cư”, Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc phấn khởi cho biết.

Hòa Bắc là địa bàn có đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống đông nhất của Đà Nẵng. Theo lời Trung tá Lê Văn Tư, đồng bào thường có thói quen tàng trữ, cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhà để săn bắt động vật hoang dã làm thức ăn hoặc đánh bắt thủy sản. Một số khu vực người dân sinh sống nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở nên rất khó tiếp cận, kiểm soát. Vì vậy, các đối tượng tội phạm dễ lợi dụng để hoạt động, điều này cũng gây khó khăn cho Công an xã trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. “Trước những vấn đề phức tạp đặt ra, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi xác định phải bám sát địa bàn, thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng dân tộc), từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức của người dân”, Trung tá Lê Văn Tư chia sẻ thêm.

Trong câu chuyện về nỗ lực của Công an xã trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT địa bàn dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lúc trực tiếp vào 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, chúng tôi được nghe kể thêm nhiều điều thú vị về những những “người con của bản” – cách gọi thân mật mà đồng bào dành cho một số cán bộ Công an xã Hòa Bắc, trong đó có Alăng Hoàng.

Alăng Hoàng là người dân tộc Cơ Tu, trưởng thành từ Công an viên thôn Giàn Bí, sau đó là Công an viên thường trực xã Hòa Bắc. Năm 2019, khi Bộ Công an triển khai đề án đưa Công an chính quy về xã, anh được “đặc cách” vào ngành Công an. Theo lời Alăng Hoàng, những năm trước, đời sống của nhiều hộ dân là người dân tộc Cơ Tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí vẫn còn khó khăn nên các phần tử xấu đã lôi kéo bà con thông qua các cuộc gặp gỡ riêng, trao quà từ thiện, giúp đỡ về mặt vật chất để truyền đạo trái phép, xuyên tạc đối với chế độ ta. Nắm được ý đồ các đối tượng này, với vai trò là Công an viên của xã, anh gặp gỡ các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng người Cơ Tu để tuyên truyền mọi người không nên nghe lời kẻ xấu. Nhờ những nỗ lực này mà hiện trên địa bàn 2 thôn không có trường hợp nào vi phạm trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Alăng Hoàng kể anh còn vận động, tuyên truyền bà con nhân dân phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu, dần bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. Những trở ngại về thời gian, thời tiết khắc nghiệt không ngăn được bước chân Alăng Hoàng cùng bà con ra tận đồng, vào tận khu vực khai thác rừng keo. Nhiều buổi chiều muộn, người ta vẫn thấy anh kiên trì vận động trai bản bớt thời gian tụ tập; hay đến từng ngõ, vào từng bản hỗ trợ đưa các cụ già, người có hoàn cảnh neo đơn khó khăn đến tập trung tại nhà Gươl để cán bộ kịp làm căn cước công dân.

Khi chúng tôi hỏi thêm những vất vả mà anh đã gặp trong quá trình vận động đạt tỉ lệ 100% đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí cập nhật hồ sơ làm căn cước công dân và kích hoạt tài khoản định danh điện tử nhanh nhất, sớm nhất trong toàn xã, trở thành một trong những điểm sáng của huyện, Alăng Hoàng kể nhiều điều khá đặc thù. “Một người có đến 3-4 tên, họ. Một gia đình, vợ chồng, con cái 4-5 người thì lại có nhiều họ khác nhau. Cùng một gia đình có 6-7 người già - trẻ nhưng chỉ có duy nhất một cái điện thoại smartphone có thể cập nhập mã định danh điện tử... May mà am hiểu phong tục, tiếng nói của đồng bào nên tôi đã nhanh chóng làm cầu nối, nắm bắt xử lý công việc vừa rối vừa khó một cách thuận lợi, đạt hiệu quả cao nhất”, anh bộc bạch thêm.

Trong không khí rộn ràng của lễ hội văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơ Tu, chúng tôi còn được nghe thêm nhiều chuyện hay thể hiện tinh thần “an ninh chủ động” của Công an xã Hòa Bắc để bà con được vui xuân, đón Tết trọn vẹn. Đó là những chuyến tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ANTT địa bàn xã, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh, khu vực khai thác vàng trái phép tại Khe Đương vừa bị “xóa sổ”; hay những ngày băng rừng, vượt suối để tiếp cận đồng bào phía thượng nguồn sông Cu Đê gặp nạn, bị cô lập trong mùa lũ vừa rồi. Bên cạnh đó là những kế hoạch mà các anh đang dồn sức, tập trung thực hiện…

Lúc tiễn chúng tôi ra về, như chợt nhớ thêm, Trung tá Lê Văn Tư cho biết, giờ đã thành nếp, thứ Năm hằng tuần là “Ngày nông thôn mới” của xã, Công an xã đồng hành, hỗ trợ người dân của xã trong nhiều câu chuyện có liên quan. Hoà Bắc cũng vừa được huyện công nhận đạt chuẩn An toàn về ANTT, an toàn giao thông; xếp loại “Xuất sắc” trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Hoài Thu
.
.