Xây dựng quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ Sáu, 16/04/2021, 19:05
Ngày 16/4, tại Hà Nội, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chủ trì; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 


Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI Dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Pháp Đức, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. 

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục an ninh mạng phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính “Chính sách, pháp luật, kinh nghiệm bảo vệ DLCN của một số quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước” và “Khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ DLCN đối với Việt Nam”. 

Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về chính sách bảo vệ DLCN dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, các cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam. 

Nội dung các báo cáo tham luận rất đa dạng, phong phú và với nhiều ý kiến rất tâm huyết, thể hiện quá trình nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu. Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều xác định vai trò của việc bảo vệ DLCN phải phù hợp từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia, khu vực. 

Ở Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân cũng được đặt ra hết sức bức thiết trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tới lợi ích của tổ chức, cá nhân. 

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ DLCN của Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện, tồn tại một số sơ hở, bất cập; nhận thức về bảo vệ DLCN chưa tương xứng với tính nguy hiểm, hậu quả khi DLCN bị xâm phạm gây ra. Do đó, việc xây dựng quy định pháp luật về bảo vệ DLCN trong điều kiện hiện nay là vô cùng cần thiết.

Kết quả Hội thảo cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia với công tác bảo vệ DLCN và công tác xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam.

X. Mai
.
.