Xây dựng, phát triển mạng lưới y tế CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Thứ Ba, 06/10/2020, 14:06
Sáng 6/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể Phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030 và tổ giúp việc thực hiện Đề án tổ chức họp phiên đầu tiên; công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Cục Y tế Bộ Công an đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể Phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030 và tổ giúp việc thực hiện Đề án… Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm 12 đồng chí; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức vụ Trưởng ban; Đại tá Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an là Ủy viên Thường trực BCĐ; tổ giúp việc gồm 13 đồng chí.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Đề án tổng thể Phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới y tế CAND phù hợp với tổ chức bộ máy tổ chức mới của ngành Công an; đồng thời đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về y tế (bao gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế) và là một bộ phận của hệ thống y tế Việt Nam. Y tế ngành Công an ngoài chức năng khám, chữa bệnh theo quy định của bảo hiểm y tế còn phải thực hiện chức năng quản lý sức khỏe cho CBCS, đảm bảo y tế phục vụ công tác chiến đấu, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng CAND; đảm bảo y tế đối với đối tượng giam giữ và tham gia chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đề án cũng khẳng định vấn đề xã hội hóa là nguồn lực y tế là cần thiết, cơ chế tự chủ là thiết yếu để phát triển y tế ngành Công an; đồng thời quan tâm chú trọng đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu, đủ năng lực nghiên cứu khoa học và có chính sách thu hút và “giữ chân” nhân tài, những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi phục vụ trong CAND. Bên cạnh đó, phải đảm bảo đủ định mức và cơ cấu nhân lực y tế theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Công an và phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật, tính chất công tác Công an..

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung trong Dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể Phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030 như: Tổ chức bộ máy trong y tế CAND; nguồn nhân lực; cơ chế tài chính, đầu tư và bảo hiểm y tế; chính sách chăm sóc sức khỏe và truyền thông giáo dục sức khỏe; vấn đề huy động hệ thống y tế nhà nước hỗ trợ CAND; tăng cường ứng dụng Khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn điều hành thảo luận.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng bước đầu của các đơn vị chức năng trong thực hiện việc xây dựng Đề án tổng thể Phát triển mạng lưới y tế CAND đến năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh mục tiêu và yêu cầu khi thực hiện Đề án để hệ thống y tế CAND phát triển và vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho CBCS trong công tác và chiến đấu; cùng với đó là phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tập trung nghiên cứu, có kế hoạch, phương hướng để triển khai thực hiện Để án một cách nghiêm túc tạo sự chuyển biến rõ nét, có hiệu quả nhất định trong từng lộ trình cụ thể từ nay cho đến 2030.

Các thành viên Ban chỉ đạo đóng góp ý kiến.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn giao Cục Y tế, Bộ Công an chủ trì làm việc với các đơn vị chức năng liên quan để trao đổi, tập hợp ý kiến, nghiên cứu các giải pháp thực hiện Đề án hiệu quả để báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình, báo cáo đồng chí Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Đồng chí Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, để phát triển mạng lưới hệ thống y tế CAND, bên cạnh quan tâm đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu, đề nghị “Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan cần rà soát, tính toán lại và đánh giá kỹ nguồn nhân lực hiện có trong các cơ sở y tế CAND, trên cơ sở đó có phương án, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, qua đó góp phần giúp hệ thống y tế trong CAND có nhiều chuyển biến rõ nét trong thời gian tới…”.

P. Tâm – V.Linh
.
.