Về nơi khởi nguồn sáu điều Bác Hồ dạy CAND

Thứ Năm, 20/08/2015, 10:22
Vinh dự lớn lao với lực lượng CAND là được Bác Hồ luôn chăm lo, giáo dục và rèn luyện. Đặc biệt, Người đã huấn thị 6 điều tư cách người Công an cách mạng. Lời dạy của Người là kim chỉ nam, là mạch nguồn xuyên suốt để lực lượng Công an phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Chúng tôi về ngôi chùa cổ nằm yên bình dưới những tán cổ thụ, trong sự bao bọc của nhân dân vùng cách mạng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đó là nơi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII nhận bức thư Bác Hồ dạy về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Ngôi chùa mang tên Tứ Giáp (còn gọi là chùa Đại Phúc) giờ đã trở thành địa điểm về nguồn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an.

Bình yên dưới tán đại thụ

Chùa Tứ Giáp nằm trong thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang được xây dựng từ thời hậu Lê. Đây là ngôi chùa khá đặc biệt – chùa không có sư. Người trông nom, hương khói cho ngôi chùa hằng ngày là cụ từ Nguyễn Đức Cư năm nay đã 80 tuổi. Mấy năm nay cụ bận rộn hơn khi khách từ xa về đông, nhất là vào dịp kỷ niệm thành lập lực lượng công an hay những đợt các đơn vị công an tổ chức về nguồn. Nơi này, Công an Khu XII (nay là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh) từng đóng quân những năm 1946-1958. Cũng tại đây, tờ báo Bạn dân – nội san của Công an Khu XII ra đời.

Giám đốc Công an Khu XII lúc đó là đồng chí Hoàng Mai. Khi số báo đầu tiên còn thơm mùi mực, đồng chí Hoàng Mai đã gửi báo tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và, chỉ ít ngày sau, ngày 11/3/1948, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”: “Đối với tự mình: Phải cần kiệm liêm chính; Đối với đồng sự: Phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân: Phải kính trọng lễ phép; Đối với công việc: Phải tận tụy; Đối với địch: Phải cương quyết khôn khéo”.

Chùa Tứ Giáp (còn gọi là chùa Đại Phúc).

Lời dạy của Bác Hồ ngay sau đó đã được in trên Báo Bạn dân, được lan tỏa trong toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Công an nhân dân. Công an Khu XI cũng là nơi khởi nguồn phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy trong Công an cả nước. Từ phong trào này, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, rèn luyện, từng bước trưởng thành. Và, cho tới gần 70 năm sau, lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn luôn là kim chỉ nam, là định hướng cho mỗi cán bộ, chiến sỹ học tập và phấn đấu.

Trở về Nhã Nam, chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, đó là những người dân đã từng chứng kiến một phần hoạt động của lực lượng Công an trong cách mạng, góp sức cùng Công an Khu XII chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự. Nhiều cụ già trong thôn xóm còn nhớ như in những ngày gian khó được các chú Công an dạy múa, dạy hát khi họ mới là những em bé ham chơi.

Miền ký ức chia xa

Ông Nguyễn Tấn Thanh gần 80 tuổi hồi tưởng lại thứ âm thanh đặc trưng của máy liên lạc khi đó: “Tôi thấy các chú, các anh Công an đeo tai nghe, đánh máy “tạch tè, tạch tè”...”. Còn ông Lương Tam Thanh, năm 1948 mới là cậu bé 14 tuổi, nhà ở sát chùa Tứ Giáp nên thường xuyên lân la đến chùa. Phong trào cách mạng ở địa phương hồi đó rất mạnh, cậu bé Thanh  tham gia vào Đội thiếu niên Cành Sung. “Chiều Mạc Tư Khoa”, “Anh Kim Đồng”… là những bài hát mà ông và một số người khác cùng thế hệ được các chú Công an dạy cho.

Nhớ về thời kỳ Công an Khu XII đóng quân tại chùa Tứ Giáp, những người cao tuổi ở xã Nhã Nam đều rất tự hào. Họ tự hào vì quê hương có phong trào cách mạng, là nơi đóng quân của nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Giang, trong đó có lực lượng Công an. Khi biết tại ngôi chùa cổ này lần đầu tiên 6 điều Bác Hồ dạy CAND được đồng chí Hoàng Mai đọc lên, họ rất vui mừng. Không chỉ răn dạy con cháu điều hay lẽ phải, chấp hành pháp luật mà từ nay, họ còn cho người thân biết rằng, những lời dạy của Bác cho lực lượng CAND khởi nguồn từ quê hương mình.

Năm 2013, đồng chí Hoàng Ngọc Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lúc đó kiêm Trưởng Công an xã Nhã Nam được giao nhiệm vụ xác minh địa điểm chính xác về nơi nhận được lá thư của Bác cách đây 65 năm. Anh Hải là người trực tiếp khảo sát nơi đóng quân của Công an Khu XII thời kháng chiến chống Pháp, tìm các nhân chứng lịch sử. Và nhân dân đã giúp anh có đủ căn cứ để xác định, Công an Khu XII đóng quân ở chùa Tứ Giáp. Thêm một điều may mắn nữa là trong lịch sử chùa Tứ Giáp có đoạn ghi về hoạt động của Công an Khu XII thời kỳ toàn quốc kháng chiến.

Đoàn thanh niên Công an tỉnh Bắc Giang tặng quà gia đình chính sách xã Nhã Nam.

Trở lại ngôi chùa đơn sơ nhưng mang đầy ý nghĩa lịch sử, cụ Nguyễn Đức Cư dẫn chúng tôi đến gần một chiếc cột gỗ. Chiếc cột còn hằn rõ vết dao chém – chứng tích của một trận chiến đấu với kẻ thù. Chỉ tiếc rằng, những nhân chứng lịch sử thì người còn, người mất. Năm 2013, lần đầu đến với di tích này, chúng tôi đã gặp được nhiều nhân chứng với nhiều ký ức được tái hiện. Đến nay, khi trở lại, có nhân chứng đã không còn...

Hai năm trước, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND 6 nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh”, chùa Tứ Giác – đại  bản doanh của Công an Khu XII, nơi đồng chí Hoàng Mai nhận bức thư của Bác Hồ được xác định là nơi khởi nguồn 6 điều Bác dạy CAND. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bắc Giang được giao nhiệm vụ lập phương án xây dựng khu vực xung quanh chùa Tứ Giác trở thành một khu di tích lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống và nhắc nhở các thế hệ Công an luôn giữ trong tim lời dạy của Bác.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch xã Nhã Nam cho biết, ngày 7/7 vừa qua, Hội đồng nhân dân xã đã có Nghị quyết dành 4,95ha đất quy hoạch dành riêng cho Di tích lịch sử cho Công an Khu XII. Các hạng mục đề nghị theo dự kiến sẽ bao gồm: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 11m; bức thư khắc trên đá ghi 6 điều Bác Hồ dạy CAND ngày 11/3/1948; hệ thống phù điêu thể hiện quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển của lực lượng CAND; cụm tượng Bảo vệ An ninh Tổ quốc, khu thăm quan, nhà trưng bày hiện vật…

Từ năm 2013, những thế hệ Công an trẻ đã tìm về Di tích Công an Khu XII. Trước hết là lớp đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Bắc Giang, là học viên của các trường đại học, học viện Công an… Gần đây, Hội trại “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác” của Đoàn thanh niên Công an tỉnh Bắc Giang nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa. Đó là chương trình khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con xã Nhã Nam do các bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức tình nguyện; hay, tặng quà gia đình chính sách, có công với cách mạng; hội thi tuyên truyền các ca khúc cách mạng… Hoạt động trên đã thu hút hàng nghìn lượt nhân dân địa phương hưởng ứng tham gia, là dịp để tuổi trẻ Công an tỉnh Bắc Giang tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh đi trước, với những người dân đã giúp đỡ lực lượng Công an giữ gìn an ninh, trật tự, lưu giữ những giá trị quý giá của Công an Khu XII. Đó cũng là một cách thể hiện sự nối tiếp truyền thống, phát huy hiệu quả thiết thực nhất phong trào học tập 6 điều Bác dạy.

Đại úy Phùng Thế Sơn, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Bắc Giang nêu cảm tưởng: “Di tích Công an Khu XII là một trong những địa điểm có ý nghĩa, giá trị lịch sử thực tế nhất để  tổ chức các hoạt động về nguồn cho đoàn viên thanh niên lực lượng CAND, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thấm nhuần sâu sắc về 6 điều Bác Hồ dạy CAND, để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhận thức, hành động, việc làm hằng ngày của mỗi đoàn viên”.

Việt Hà
.
.