Tổng kết 10 năm chương trình đưa sinh viên thực hiện “ba cùng” với nhân dân

Thứ Sáu, 10/11/2017, 17:15
Ngày 10-11, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm tổ chức thực hành chính trị-xã hội cho sinh viên. Qua 10 năm tổ chức, hoạt động thực hành chính trị-xã hội của Học viện CSND đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, trở thành “thương hiệu” của Học viện, được lãnh đạo Bộ Công an biểu dương và quyết định nhân rộng mô hình này đối với tất cả các trường CAND.


Công tác tổ chức thực hành, thực tế cho học viên đã được Bộ Công an chỉ đạo các trường CAND tổ chức từ rất sớm, ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, đất nước thực hiện sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường với nhiều khó khăn nên công tác này đã bị gián đoạn trong một thời gian dài. 

Thực tiễn đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đòi hỏi các trường CAND phải đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng gắn lý luận trong nhà trường với thực tiễn chiến đấu của lực lượng, giảm giờ học lý thuyết, tăng giờ thực hành thực tế, gắn hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường với thực tiễn xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Toàn cảnh hội nghị.

Nhận thức rõ điều này, từ năm học 2007-2008, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện CSND đã quyết định tổ chức cho khóa D33 là khóa đầu tiên đưa sinh viên năm thứ 2 đi thực hành chính trị-xã hội tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh) theo mô hình “ba cùng” với nhân dân nhằm giúp sinh viên kiểm nghiệm, đối chiếu tri thức với lý luận thực tiễn, tìm hiểu hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và làm quen với công tác dân vận.

Kể từ đó đến nay, qua 10 năm đã có gần 10.000 học viên, bao gồm cả học viên Lào, Campuchia thực hành chính trị-xã hội tại 11 địa phương trên cả nước. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho học viên về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh; rèn luyện năng lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại các cơ sở, hàng nghìn học viên các thế hệ của Học viện CSND đã có nhiều đóng góp cả về công sức lẫn tiền của vào hoạt động công ích của các địa phương. 

Các thế hệ học viên đã đóng góp trên 100 ngàn ngày công lao động, giúp đỡ nhân dân tu bổ trên 100 km đường nông thôn, trên 90 km hệ thống mương máng thủy lợi, đường làng ngõ xóm; giúp dân gặt lúa, tu sửa nhà ở, vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang, các công trình văn hóa tại địa phương. 

Đồng thời, tham gia các hoạt động thiện nguyện, giàu ý nghĩa như xây tặng 47 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng; xây tặng 1 hòn non bộ và tặng nhiều kỷ vật cho Khu di tích Ban An ninh- Trung ương cục Miền Nam; Khu di tích Thành cổ Quảng Trị; xây tặng 1 công trình nước sạch cho trường mẫu giáo Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; làm mới 2,5 km đường giao thông nông thôn, 2.000 m2 sân bê tông cho nhà văn hóa các xã, thôn, nơi sinh viên đóng quân và tặng trên 40.000 phần quà bằng tiền và hiện vật cho các chính quyền địa phương, các gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên nghèo hiếu học... với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Chính trị CAND trao Bằng khen  của Tổng cục cho các tập thể và cá nhân xuất sắc

Đánh giá về hiệu quả hoạt động thực hành chính trị-xã hội của Học viện CSND trong 10 năm qua, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND cho biết: Hoạt động thực hành chính trị-xã hội đã đưa sinh viên Học viện CSND đến với mọi miền của tổ quốc; giúp sinh viên được trải nghiệm và hiểu biết thêm về phong tục tập quán, các công trình văn hóa, di tích lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cũng cố thêm niềm tự hào dân tộc, tích lũy thêm tri thức và phong cách hành xử phù hợp. 

Thông qua việc thực hiện “3 cùng”, sinh viên có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với quần chúng nhân dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để từ đó xây dựng mối quan hệ tình cảm quân dân thắm thiết. Đặc biệt, từ Học viện CSND, hoạt động này đã lan tỏa  và từng bước được nhân rộng ra tất cả các trường CAND.

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm cũng đề nghị trong thời gian tới, việc tổ chức hoạt động này cần hướng đến những địa phương vùng xa, còn nhiều khó khăn để có thể giúp đỡ, chia sẻ nhiều hơn với bà con. Đồng thời, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa sâu rộng và phong phú hơn, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần vì nhân dân phục vụ cho các chiến sỹ CAND nói chung, CSND nói riêng trong tương lai.

Huyền Thanh
.
.