Tết của những chiến sĩ Công an bắt truy nã
Trong nhiều trường hợp, đưa họ về chịu án không chỉ là giữ ổn định an ninh, trật tự mà còn là giúp chính họ thoát ra khỏi bi kịch tinh thần thường phải sống trong tâm trạng bất an, sợ hãi, có gia đình mà không thể về thăm, gia đình có biến cố cũng không thể chia sẻ.
Muôn vàn vất vả theo chân đối tượng truy nã
Năm 2014 là một năm thành công của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Con số bắt 79 đối tượng, trong đó có 30 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm; lập 6 chuyên án truy xét; nhiều đối tượng lẩn trốn hàng chục năm trời đã nói lên điều đó. Kiên trì từng chút một, không bỏ qua dù là một chi tiết nhỏ, là những bài học mà các cán bộ, chiến sĩ làm công tác bắt truy nã rút ra trong quá trình làm nhiệm vụ.
Cán bộ truy bắt tội phạm truy nã đến gia đình vận động đầu thú. |
Tháng 12 vừa qua, cũng nhờ nhẫn nại mà đơn vị đã bắt được đối tượng trốn truy nã suốt 11 năm về chịu án. Tô Văn Hồng (35 tuổi, trú tại bản Khòn Mùn, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Bình đã ra quyết truy nã đặc biệt đối với Hồng về tội cướp tài sản. Năm 2003, khi mới 23 tuổi, Hồng đã cùng 2 đối tượng cùng quê dùng mũ len trùm kín mặt, lấy cây chặn ngang đường, buộc người đi xe máy phải dừng xe để cướp tiền, tài sản. Sau khi gây án, đồng bọn bị bắt, còn Hồng bỏ trốn khỏi địa phương.
Trong suốt 11 năm đó, các chiến sỹ làm nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã Công an Lạng Sơn đã miệt mài truy theo từng dấu vết nhỏ của đối tượng. Tuy nhiên Hồng không một lần trở về thăm quê, hàng chục lần đổi chỗ ở các tỉnh, thành phía Nam. Vì vậy nhiều lần nắm được thông tin, tổ công tác tìm đến nơi nhưng lại chịu thất bại trở về.
Với quyết tâm truy bắt tội phạm về quy án, Thiếu tá Trương Thế Hùng, Phó đội trưởng đội truy bắt xin được chịu trách nhiệm với lãnh đạo đơn vị lập án truy bắt.
Một năm tập trung xác minh, lần theo từng địa chỉ, bằng rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 11/2014, nắm được thông tin Tô Văn Hồng bán nhà, bán rẫy ở Đắk Lắk chuyển về sinh sống tại tỉnh Đắk Nông; đổi tên và năm sinh là Tô Hữu Hùng, SN 1984. Hồng đã lấy vợ, có con trai 5 tuổi, Thiếu tá Trương Thế Hùng cùng Thượng sĩ Hoàng Trung Tiến lập tức lên đường.
Hơn nửa tháng sau, các trinh sát đã bắt được Hồng trước sự ngạc nhiên của cả gia đình đối tượng. Tuy bất ngờ trước quá khứ của chồng, nhưng câu nói người vợ lúc chia xa khiến nhiều người chứng kiến thực sự xúc động “có tội phải chịu trước pháp luật, anh đi rồi về để không còn phải day dứt hối hận, phải suốt ngày chuyển chỗ ở như trước đây nữa. Anh cứ coi đây là cơ hội để làm lại cuộc đời”.
Thêm một cơ hội làm lại cuộc đời
Khi chúng tôi đến, đơn vị chỉ có 30% CBCS có mặt tại đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng - Đại tá Triệu Quang Điện cho biết: Vào dịp Tết, những đối tượng trốn truy nã cũng muốn có dịp về thăm người thân hoặc chu cấp về tiền bạc. Chính vì thế dịp cuối năm công việc của các trinh sát hết sức bận rộn, chỉ cần có thông tin, dù là mong manh về một tên tội phạm đang bị truy nã, các trinh sát cũng nhất định lên đường, ngay cả khi đang dở bữa cơm tất niên hay đón giao thừa cùng vợ con.
Với việc bắt truy nã, khó khăn, vất vả là chuyện đương nhiên, nếu cán bộ chiến sĩ không đủ bản lĩnh, không vững vàng có thể sẽ nản lòng. Các đối tượng thường là tội phạm nguy hiểm, đã lẩn trốn nhiều năm, biết rất rõ cái giá phải trả khi bị bắt nên rất manh động và nhiều thủ đoạn. Những nơi chúng lựa chọn để lẩn trốn là những nơi xa xôi hẻo lánh và liên tục được thay đổi, khiến việc tìm kiếm trở nên vô cùng khó khăn.
Nhiều khi, tổ vây bắt đến chỗ này thì đối tượng đã chuyển đi chỗ khác. Phải làm việc không kể giờ giấc, đi công tác ở những nơi rừng rú, xa hàng ngàn km, đi bộ cả ngày, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy... Việc bắt truy nã vốn đã khó như “mò kim đáy biển”, bắt truy nã ở vùng biên giới lại càng khó khăn hơn, bởi các đối tượng có những mối quan hệ phức tạp bên kia biên giới và có thể trốn ra nước ngoài...
Lần truy bắt Tô Văn Hồng mới chỉ dừng lại ở sự khó khăn khi phải xác minh thông tin đối tượng lẩn trốn ở xa địa phương. Nhưng cũng có nhiều lần, việc truy bắt tội phạm trốn nã còn nguy hiểm đến cả tính mạng của cán bộ, chiến sĩ...
Theo Đại tá Triệu Quang Điện, một việc rất quan trọng trong dịp Tết anh luôn nhắc nhở cấp dưới của mình đó là kêu gọi đầu thú. Trong những ngày này, theo tâm lý tự nhiên, các đối tượng trốn truy nã sẽ chạnh lòng nhớ về gia đình. Đó cũng là thời điểm để cán bộ trinh sát có thể tiếp cận, vận động gia đình, gửi thư vận động đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bằng những tác động tâm lý, tình cảm, đã giúp những người phạm tội tỉnh ngộ, quay về chịu án.
Một cơ hội để họ làm lại mùa xuân của cuộc đời. Ý nghĩa lớn lao công việc bắt truy nã chính là động lực để các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ truy nã tội phạm Công an Lạng Sơn tiếp tục miệt mài với công việc. Dù có thể sẽ có các anh sẽ phải xa nhà để làm nhiệm vụ, nhưng đối với họ, Tết chỉ thực sự đến khi kẻ phạm tội không còn lẩn trốn ngoài xã hội.