Tập huấn nâng cao kỹ năng truy vết nhằm ngăn chặn, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả
- Bộ giải pháp phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng
- Ứng dụng truy vết COVID-19 đã vượt mốc 30 triệu lượt tải
- Lực lượng Công an luôn ở tuyến đầu phối hợp truy vết, khoanh vùng triệt để các ổ dịch
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo ( BCĐ) Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị trực tuyến còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Y tế, Bộ Công an; đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các tỉnh, thành phố; Ban Giám đốc Công an và lãnh đạo các Bệnh viện, Bệnh xá Công an các đơn vị, địa phương...
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trân trọng cảm ơn Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề rất ý nghĩa này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch, với nhiều bài học kinh nghiệm, bài học thành công được đúc kết từ thực tiễn được thế giới đánh giá cao. Đã có những bài học góp phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch của lực lượng Công an như: “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, truy vết những người có lịch sử tiếp xúc với những người có yếu tố dịch tễ để kịp thời cách ly, phòng chống dịch một cách hiệu quả.
BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, và Bộ Y tế đánh giá cao lực lượng Công an ở tất cả các tuyến, đặc biệt là Công an ở tuyến cơ sở đã phát huy vai trò trách nhiệm, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam thành công.
Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch COVID-19, để từ đó đưa ra biện pháp cách ly y tế triệt để, nhằm ngăn chặn dịch. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà quốc tế đánh giá rất cao đối với Việt Nam đó chính là bài học về truy vết.
“Qua kinh nghiệm rút ra ở 3 đợt dịch vừa qua cho thấy công tác truy vết trong giai đoạn đầu rất quan trọng. Xác định được nguồn gốc lây, xác định được tâm điểm của dịch để tổ chức phong tỏa kịp thời; cách ly triệt để được các trường hợp F1 thì chúng ta mới thành công trong công tác phòng chống dịch, ngăn ngừa được các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Các nước bị thất bại trong công tác phòng chống dịch là vì họ không áp dụng được điều này, để dịch COVID-19 lan tràn rộng trong cộng đồng. Chúng ta thành công vì chúng ta đã truy vết nhanh, ngăn chặn, cách ly triệt để, không để lây nhiễm trong cộng đồng”...-Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận..
Trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế GS. TS. Nguyễn Thanh Long, và các đồng chí báo cáo viên đã chia sẻ, phổ biến những kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung, đặc biệt là công tác truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm dương tính nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, buổi Tập huấn mang ý nghĩa quan trọng, là dịp trao đổi về phương pháp, cách làm và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp lực lượng CAND thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn. |
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm đối với Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu: Ngay sau Hội nghị tập huấn này, đề nghị Cục Y tế Bộ Công an tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế và các ý kiến các đại biểu tại Hội nghị để cụ thể hóa và tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an để chỉ đạo trong toàn lực lượng CAND nâng cao chất lượng hoạt động truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm dương tính, bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, thẩm quyền.
Hướng dẫn lực lượng y tế CAND chủ động các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho CBCS, đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện và cơ sở y tế CAND.
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm để nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các bệnh viện CAND, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống y tế trong việc phát hiện dịch sớm, chính xác, kịp thời đưa ra biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế phát huy hơn nữa ứng dụng CNTT trong khai thác, trao đổi thông tin phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác truy vết người tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.
Các đại biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến “Hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS- CoV-2 dương tính” |
Quán triệt CBCS tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Cần xác định việc phối hợp với các ngành, các lực lượng thực hiện công tác truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm dương tính COVID-19 là nhiệm vụ rất quan trọng. Trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng đã được hướng dẫn tại buổi tập huấn, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, hướng dẫn cho CBCS để chủ động, tích cực phối hợp với các ngành thực hiện công tác truy vết khi xảy ra tình huống nghi nhiễm tại địa phương. Chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương rà soát các phương án, kịch bản đảm bảo ANTT gắn với công tác phòng chống dịch phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sắp tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, quản lý cư trú, quản lý dịch vụ lưu trú để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, Công an các địa phương, khu vực biên giới phía Tây giáp Lào và Campuchia cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh. Kịp thời phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; môi giới, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn lưu ý, các cơ quan báo chí trong CAND phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương để tuyên truyền đậm nét về hình ảnh CBCS CAND trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng các chuyên để tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân trong công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, không tiếp tay, bao che, chủ động cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm nhập cảnh trái phép; tuyên truyền về thực hiện nghiêm “3 không”: không xuất nhập cảnh trái phép; không tiếp tay cho hoạt động vì phạm pháp luật; không đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép…