Xung quanh việc 39 chiến xỹ CA bị bệnh do nghi nhiễm phóng xạ:

Tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ Công an bị bệnh khám và điều trị

Thứ Sáu, 31/08/2007, 11:25

Tiến sỹ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân: Tang vật trong Chuyên án 027Z là sản phẩm Uran nghèo, không gây nhiễm xạ.  Mức liều bức xạ tối đa các chiến sỹ nhận được từ cục xạ hiếm nhỏ hơn 20 lần so với mức độ cho phép.

Trong các số Báo 760 ngày 4/8 và 768 ngày 14/8, Báo CAND đã phản ánh về tình trạng sức khỏe của 39 cán bộ, chiến sỹ Công an quận Hai Bà Trưng tham gia Chuyên án 027Z khám phá vụ án buôn bán trái phép 1 cục xạ hiếm.

Chuyên án thành công, nhưng 12 năm qua, nhiều người tham gia chuyên án này lại đang phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo... Mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào cục xạ hiếm, tang vật của vụ án.

Để có kết luận chính xác về sự việc này, đồng thời có những căn cứ để giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho các đồng chí đang gặp khó khăn, sáng 30/8, Thiếu tướng Lê Quý Vương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an đã chủ trì cuộc trao đổi thống nhất hướng giải quyết chế độ chính sách cho 39 đồng chí Công an tiếp xúc phóng xạ trong khi làm nhiệm vụ.

Theo Tiến sỹ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (KS&ATBXHN), hiện nay ở nước ta chỉ có hai đơn vị chịu trách nhiệm chính về các vấn đề liên quan đến năng lượng nguyên tử là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và Cục KS&ATBXHN.

Ông Nhân khẳng định, chỉ có Viện NLNTVN mới có đủ các phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để thực hiện giám định về phóng xạ.

Sau khi nhận được thông tin 39 chiến sỹ Công an quận Hai Bà Trưng, những người tham gia Chuyên án 027Z sức khỏe bị giảm sút, nhiều người trong số đó mắc các bệnh hiểm nghèo do nghi nhiễm phóng xạ từ tang vật của chuyên án, Cục KS&ATBXHN đã làm việc với Công an TP Hà Nội để xác định chính xác liệu cục xạ hiếm có phải là nguyên nhân gây bệnh hay không.

Cục KS&ATBXHN cũng mời Phó GS Trần Thanh Minh - Viện trưởng Viện Khoa học hạt nhân và GS Nguyễn Xuân Hách, người trực tiếp chỉ đạo khám bệnh cho các đồng chí tham gia cùng làm rõ vấn đề này.

Mới đây nhất, ngày 20/8, Cục KS&ATBXHN và Viện NLNTVN đã tổ chức xác định các thông số của mẫu vật bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của Viện.

Kết quả cho thấy, khối phóng xạ có trọng lượng 4,67kg và đây chỉ là một sản phẩm Uran nghèo. Sau khi đo xác định trường liều bức xạ gamma theo các khoảng cách và các góc khác nhau cho thấy, ở khoảng cách 1m cơ thể người không bị chiếu xạ và mẫu vật cũng không bị "nhiễm bẩn" bề mặt.

Mức liều tối đa mà các chiến sỹ Công an nhận được (nếu ôm cục xạ hiếm sát người trong suốt 40 giờ) nhỏ hơn 20 lần so với mức độ cho phép. Trong cuộc trao đổi sáng 30/8, Cục KS&ATBXHN đã mang theo cục xạ hiếm, tang vật trong Chuyên án 027Z đến để kiểm tra tại chỗ cho các đại biểu kiểm chứng.

Các kết quả đo tại sáng 30/8 cũng tương tự như các kết quả kiểm nghiệm được tiến hành trước đó. Như vậy, theo Tiến sỹ Ngô Đặng Nhân, hoàn toàn có thể loại yếu tố bị bệnh do nhiễm xạ của 39 đồng chí Công an trong Chuyên án 027Z.

Đại tá Trần Long Xuyên, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã khẳng định, lãnh đạo Công an thành phố đã và sẽ làm tất cả mọi việc để giúp đỡ các đồng chí bị bệnh trong Chuyên án 027Z.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, hằng năm số cán bộ, chiến sỹ này đều được tổ chức điều dưỡng ở Nha Trang. Điều đáng chú ý là trong 1 - 2 năm gần đây, bệnh tật của 38 đồng chí Công an này (1 đồng chí trong Chuyên án đã mất do tai nạn giao thông) mới phát sinh và diễn biến phức tạp.

Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị kiểm tra, xem bệnh tật của các chiến sỹ có liên quan đến nhiễm xạ hay không. Chúng tôi cũng gửi công văn tới Bệnh viện Bạch Mai, và Khoa Y học hạt nhân đã bắt đầu khám cho 35 đồng chí từ 29/8.

Sau khi nghe đại diện các cơ quan liên quan báo cáo, Thiếu tướng Lê Quý Vương, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an đã đề nghị Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an), Bệnh viện 198 (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hà Nội khám, kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ 38 cán bộ, chiến sỹ.

"Dù kết luận có nhiễm phóng xạ hay không cũng phải làm hết sức để chữa chạy cho các đồng chí. Nếu Bệnh viện 198 không đảm nhiệm được thì mời các nhà khoa học đến tham gia khẳng định hướng điều trị cho các đồng chí này", Thiếu tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Dù kết quả có phải bị bệnh do nhiễm phóng xạ hay không, một sự thật hiển nhiên là sức khỏe của tất cả 38 chiến sỹ tham gia Chuyên án 027Z đang ngày một xấu đi. Họ rất cần những sự giúp đỡ về vật chất và sự chia sẻ của các đồng đội. Hiện nay, Bộ Công an đang rà soát lại quy định để đề xuất chế độ chính sách với 39 chiến sỹ trên

Trần-Bình -Ngọc
.
.