Tăng cường phối hợp giữ vững an ninh trật tự vùng giáp ranh
- Chống tội phạm ở vùng giáp ranh
- Hiệu quả mô hình Cụm an ninh tự quản giữa vùng giáp ranh
- Triệt phá đường dây phá rừng “khủng” ở vùng giáp ranh
Từ nhiều năm qua, Công an huyện Đơn Dương đã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Công an hai đơn vị đã phối hợp triển khai công tác, kịp thời xử lý, giải quyết những vụ án, tình huống phức tạp trên địa bàn.
Chúng tôi cùng CBCS Công an huyện Đơn Dương tới vùng đất giáp ranh với xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn là thôn Gia Hoa, thuộc xã Próh và xã Ka Đô, cách trung tâm huyện Đơn Dương khoảng 90km về phía Đông.
Trên địa giới hành chính, vùng đất này thuộc tỉnh Lâm Đồng nhưng theo Thượng tá Võ Tấn Linh, Phó trưởng Công an huyện Đơn Dương, thôn Gia Hoa lại nằm hoàn toàn trong vùng đất thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. 100% dân số là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Ninh Thuận đã sinh sống tại địa phương từ nhiều năm qua. Để giữ vững ANTT, nơi đây đã có một Tổ tuần tra, canh gác liên ngành gồm, Công an huyện, Kiểm lâm, Huyện đội, Công ty lâm nghiệp túc trực tuần tra, kiểm soát.
Một cán bộ thuộc Tổ tuần tra kể lại, dịp Tết 2017, khi tổ tuần tra đang làm việc trên tuyến đường giáp ranh tại thôn Gia Hoa thì phát hiện hơn 10 thanh niên vận chuyển gỗ lậu xuống đường mòn ven rừng. Thấy lực lượng tuần tra chỉ có 4 người, nhóm người này dùng gạch đá, cây rừng tấn công để tẩu tán số gỗ lậu vừa khai thác trên địa phận thuộc xã Ka Đô, huyện Đơn Dương. Tuy nhiên, nhóm lâm tặc trên đã không đạt được mục đích.
“Tình hình lúc đó rất nguy hiểm, đêm tối lại không kịp gọi Công an huyện Ninh Sơn ứng cứu nên chúng tôi buộc phải bắn chỉ thiên cảnh báo các đối tượng, bảo đảm an toàn cho anh em. Cuối cùng phải mất gần 2 giờ đồng hồ nhóm “lâm tặc” mới chịu rời khỏi hiện trường không thể tẩu tán số gỗ” – một cán bộ trong Tổ tuần tra kể.
Theo Thượng tá Võ Tấn Linh, từ khi có Tổ tuần tra, cắm chốt tại vùng giáp ranh số vụ phạm pháp hình sự, vi phạm khai thác, lấn chiếm đất rừng… đã giảm đáng kể theo từng năm.
Đáng chú ý, khu vực thôn Gia Hoa, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) là phần đất thuộc xã Ka Đô và Próh, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Tuy nhiên, từ trước năm 2007 người dân các thôn Gia Hoa, thôn Ú, thôn Gia Rót, xã Ma Nới đã xâm canh, xâm cư trên vùng đất này.
Hiện có tổng 300 hộ/1.252 khẩu với tổng diện tích xâm canh là 412,72ha. Riêng người dân thôn Ú, thôn Gia Rót, xã Ma Nới xâm cư xã Ka Đô là 122 hộ/305 nhân khẩu, tương đương với 73,22ha. Sự phức tạp của tình hình xâm canh, xâm cư và không rõ ràng trong phân định địa giới hành chính, dân cư, cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình ANTT trên địa bàn.
Tương tự, trên địa bàn huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng… cũng là là nơi giáp ranh với địa bàn nhiều huyện thuộc các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Bình Thuận nên Công an các huyện luôn chú trọng công tác phối hợp trong nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Công tác trinh sát địa bàn được tăng cường thường xuyên, giải quyết vụ việc khi mới manh nha xảy ra, không để hình thành các điểm nóng hay tội phạm hoạt động mang tính chất băng nhóm, xã hội đen.
Từ năm 2008 tới nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 7.599 vụ án làm 343 người chết, 938 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá trên 80 tỷ đồng. Trọng án xảy ra 645 vụ, tội phạm giết người cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ ngày một nghiêm trọng. Tội phạm ma túy phát hiện 1.270 vụ, bắt giữ 1.597 đối tượng. Bên cạnh đó, tỷ lệ điều tra, là rõ các vụ án hình sự tỷ lệ 89,48%. Trọng án khám phá được 622/645 vụ, đạt 96,4 %. Triệt phá 583 băng nhóm tội phạm, truy bắt được 1.845 đối tượng có lệnh truy nã.
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, kết quả đạt được từ Quy chế phối hợp giữa Công an các huyện vùng giáp ranh với tỉnh bạn cho thấy mô hình này hoạt động ngày càng hiệu quả, giải quyết nhanh những vụ việc liên quan đến ANTT.