Sáng kiến dành cho lính chữa cháy

Thứ Hai, 23/12/2019, 07:37
Đặc thù của nghề chữa cháy là người lính cứu hỏa luôn trong tư thế sẵn sàng lao vào công việc, kể cả khi đang ăn hay nghỉ ngơi. Nghề đặc thù là vậy mà những người lính cứu hỏa như Thượng tá Dương Văn Vũ vẫn ngày đêm bất chấp hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ “giành cái còn lại trong cái đã mất”...


“Nhiều người nói cái này dễ ợt, cái kia đơn giản… Dễ ợt, đơn giản nhưng không làm ra thì sao mà có. Có những cái tưởng không là gì nhưng nó phục vụ chiến đấu với “giặc lửa” hiệu quả cao”, đó lời chia sẻ của Thượng tá Dương Văn Vũ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Cần Thơ, khi nói về sáng kiến “Đèn gắn trên mũ chữa cháy” của mình. Gần 30 năm trong nghề, anh luôn hết mình với công việc, đặc biệt có nhiều sáng kiến, cải tiến thiết bị nâng cao hiệu quả công tác PCCC - CNCH trên địa bàn TP Cần Thơ.

Đặc thù của nghề chữa cháy là người lính cứu hỏa luôn trong tư thế sẵn sàng lao vào công việc, kể cả khi đang ăn hay nghỉ ngơi. Nghề đặc thù là vậy mà những người lính cứu hỏa như Thượng tá Dương Văn Vũ vẫn ngày đêm bất chấp hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ “giành cái còn lại trong cái đã mất”. 

Gần 30 năm theo nghề là ngần ấy thời gian mà anh và đồng đội đối mặt với hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ. Có những vụ cháy kho xăng, cháy tàu, bách hóa, nhà xưởng, chợ… nếu không có kinh nghiệm, lòng quyết tâm thì khó vượt qua, bởi sự hiểm nguy luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Thượng tá Dương Văn Vũ (bên phải), chia sẻ về sáng kiến, kinh nghiệm của mình với các chiến sỹ Cảnh sát PCCC trẻ.

Đau đáu để giảm thương tích cho anh em, nâng cao hiệu quả chữa cháy, giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra, trong quá trình công tác Thượng tá Vũ đã nảy sinh nhiều sáng kiến hay. Đó là sáng kiến “Đèn gắn trên mũ chữa cháy” - một công cụ giúp người lính cứu hỏa dễ quan sát đám cháy trong điều kiện thiếu ánh sáng, không cần người cầm đèn soi, tiết kiệm thời gian, giảm nhân sự. 

Còn sáng kiến “Lăng ngăn cháy CR2” có đường kính tia nước tạo ra lớn hơn đường kính của lăng bình thường nên nhanh chóng phủ kín hơi nước vào khu vực cháy, hạ thấp nhiệt độ đám cháy, hạ thấp nồng độ oxy trong đám cháy, rút ngắn thời gian chữa cháy. 

Đây là 2 sáng kiến đạt giải tại Hội thi Khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015 và 2017, hiện đang được áp dụng tại các Đội PCCC-CNCH trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, anh còn một số cải tiến phục vụ cho công tác, như: lăng phun bọt hòa không khí thành lăng cầm tay chữa cháy, lăng giá di động…

Trung tá Đào Kiến Quốc, cán bộ Đội PCCC-CNCH quận Cái Răng, cho biết: “Anh Vũ là người tâm huyết với công việc, chịu khó tìm tòi nên đã chế tạo ra “Đèn gắn trên mũ chữa cháy” rồi “Lăng ngăn cháy” rất hữu dụng cho anh em khi tham gia chữa cháy. Chính tôi cũng đã trải nghiệm chiếc mũ này, rất hiệu quả trong công tác chữa cháy cũng như cứu người bị nạn trong đám cháy”.

Nhiều đồng đội từng làm việc, tiếp xúc với Thượng tá Vũ đều cảm nhận được sự nhiệt tình trong công việc, cách cư xử của anh với đồng chí, đồng đội. “Anh Vũ là một trong những tấm gương sáng để CBCS học tập noi theo, nhất là về tinh thần trách nhiệm, lòng yêu ngành, yêu nghề. Góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của người Cảnh sát PCCC Công an thành phố”, Thiếu tá Trần Thanh Hùng, Đội PCCC-CNCH quận Cái Răng chia sẻ. 

Ông bà ta có câu “nghề chọn người”, quả thật trường hợp này đúng với anh Vũ. Từ yêu nghề đâm ra say nghề nên mới có nhiều sáng kiến, cải tiến. Tuy giá trị làm lợi về kinh tế không lớn nhưng mang lại nhiều ứng dụng thực tế cao cho công tác PCCC tại đơn vị. 

“Tôi đang ấp ủ thực hiện “Bộ móc vớt xác người trên sông”. Điều này xuất phát từ việc thấy nhiều gia đình đau khổ, muốn tìm kiếm thi thể người thân cho nhanh mà nếu thuê ghe cào rất tốn kém mà chưa chắc đã vớt được. Ghe cào cũng chỉ dài từ 5-7m chứ đâu bao hết sông. Bộ móc mà tôi đang nghiên cứu tùy vào từng trường hợp, nếu sông lớn làm dây dài bao giáp sông, hoặc có thể làm 2 tầng, 3 tầng để vớt được thi thể sớm hơn, giúp gia đình bớt đau khổ”, Thượng tá Dương Văn Vũ, cho biết thêm.

Khi cháy xảy ra, ai cũng nháo nhào tìm chỗ thoát, còn các anh thì xông vào. Nhiệm vụ của người chiến sỹ Cảnh sát PCCC là như thế, miệt mài, thầm lặng cống hiến để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Văn Đức – P.T
.
.