Tăng cường hỗ trợ Công an các địa phương phía Nam chống dịch

Chủ Nhật, 11/07/2021, 20:22
Chiều 11/7, tại điểm cầu Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Công an đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19, rà soát công tác tăng cường hỗ trợ Công an các địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đặc biệt là một số tỉnh, thành phía Nam: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Long An; Đại học An ninh nhân dân, Đại học Cảnh sát nhân dân và Bệnh viện 30-4..

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã nghe đại diện Công an các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả công tác phòng chống dịch tại địa bàn, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ liên quan công tác phòng chống dịch hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, qua theo dõi tình hình, và nghe báo cáo của Công an các đơn vị địa phương cho thấy, dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra nóng bỏng, phức tạp nhưng Công an các đơn vị, địa phương luôn khẳng định được vai trò là lực lượng tuyến đầu, vai trò nòng cốt xung kích trong công tác phòng chống dịch ở các địa phương, trở thành chỗ dựa vững chắc của cán bộ và nhân dân trong công tác phòng chống dịch cũng như trong công tác đảm bảo ANTT.

“Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, BCĐ phòng chống dịch bệnh của Bộ Công an, tôi xin ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực rất lớn của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, đặc biệt là tại các địa phương đang diễn biến phức tạp về dịch COVID-19.” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nguy cơ cao bùng phát trên diện rộng và xâm nhập vào lực lượng Công an. Do đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa sự xâm nhập và ảnh hưởng của dịch bệnh, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không lo sợ, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch xảy ra. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ, đóng góp và tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

Cần siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch đối với CBCS, chủ động thực hiện xét nghiệm test nhanh sàng lọc CBCS có các yếu tố dịch tễ, các biểu hiện sốt, ho, khó thở, làm việc tại các vị trí nguy cơ cao để phát hiện sớm và cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Quán triệt CBCS thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, chấp hành các quy định về phòng dịch trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các Bệnh viện Dã chiến của lực lượng CAND tiếp tục điều trị các ca mắc COVID-19 trong lực lượng và các đối tượng thuộc lực lượng CAND quản lý. Trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trực tiếp khám, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện và CBCS trực tiếp tham gia hoạt động phòng, chống dịch.

Siết chặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; tổ chức các khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu tối đa cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau. Hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, trong các cơ sở cách ly…

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế về công tác điều tra dịch tễ, truy vết; lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Nâng cao năng lực của các Đội cơ động, Đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Y tế các đơn vị, địa phương chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên trong sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên diện rộng; các Bệnh viện hạng I, Bệnh viện Công an tỉnh, thành phố triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 nhằm nâng cao năng lực lấy mẫu và trả kết quả sớm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Trước những đề xuất, kiến nghị của Công an các đơn vị, địa phương tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng cho rằng, đây là những kiến nghị đề xuất hết sức xác đáng, đề nghị các Cục chức năng ghi nhận, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ để có hướng giải quyết kịp thời, đáp ứng nhanh nhất yêu cầu phòng chống dịch của Công an các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị, bên cạnh sự trang cấp, hỗ trợ của Bộ, Công an các địa phương cũng cần chú trọng tinh thần “4 tại chỗ”, chủ động tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, địa phương, các nguồn lực xã hội cũng như sự ủng hộ của nhân dân nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tâm Phạm
.
.