Phòng chống tội phạm về môi trường là “trận chiến” chung của cả hệ thống chính trị

Thứ Sáu, 15/01/2021, 20:52
Hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực tài nguyên khoáng sản nói riêng phải vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là nhiệm vụ có chiến lược lâu dài. Phải được coi là “trận chiến” chung của cả hệ thống chính trị… trong đó lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm
 (PCTP) về môi trường cần phát huy vai trò chủ công, nòng cốt



Chiều 15/1, tại ĐH Cảnh sát nhân dân đã diễn ra  Hội thảo “Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an các tỉnh, thành phố phía Nam”.

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đặt vấn đề: “Hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực tài nguyên khoáng sản nói riêng phải vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là nhiệm vụ có chiến lược lâu dài. Phải được coi là “trận chiến” chung của cả hệ thống chính trị… trong đó lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cần phát huy vai trò chủ công, nòng cốt ”.

Đại tá Lê Thơm, Cục phó Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Theo đó, có 57 bản tham luận có giá trị thực tiễn được trình bày tại hội thảo, tập trung phản ánh thực trạng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thời gian qua còn gặp rất nhiều những khó khăn, hạn chế. 

Trong 3 năm (2016-2019), ngoài việc xây dựng, triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật để quần chúng nhân dân và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác tài nguyên, khoáng sản chấp hành nghiêm quy định; trong công tác phát hiện, đấu tranh, Bộ Công an đã có nhiều đợt cao điểm để chỉ đạo Công an trong toàn quốc và giao cho Cục Cảnh sát PCTP về môi trường là đơn vị chủ trì cùng với các đơn vị để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. 

Đã đấu tranh, phát hiện 17.527 vụ, với 17.909 đối tượng (trong đó 5.067 vụ khai thác cát, sỏi trái phép). Kết quả khởi tố hình sự 74 vụ, với 153 bị can; xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 196 tỷ đồng; tịch thu, tạm giữ 494 tàu, thuyền, 357 ô tô các loại, 274 máy đào, máy hút, 12 tàu cuốc, 64 ống bơm, gần 39.500 tấn than và gần 12.000 tấn quặng các loại…

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.
Qua phân tích các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng sử dụng một số phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến như lợi dụng hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên sau cấp phép chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng khai thác vượt công suất, vượt quá giới hạn được cấp phép vẫn còn xảy ra. 


Các tham luận được trình bày tại hội thảo đều mang tính thực tiễn cao

Một số doanh nghiệp, cá nhân có hành vi mua, bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp với khối lượng rất lớn, rồi sau đó tiến hành mua, bán hóa đơn trái phép để hợp thức hóa nguồn gốc nguyên liệu đầu vào nhằm thu lợi bất hợp pháp gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Điển hình là 2 vụ Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra trên địa bàn huyện Nam Giang, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm 2 người chết. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố 2 vụ, với 7 bị can. 

Hay thủ đoạn lợi dụng các dự án nạo vét luồng lạch, các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm về vị trí địa lý, độ sâu, vượt thời gian so với cấp phép gây khó khăn trong công tác phát hiện. Điển hình là vụ lợi dụng dự án nạo vét tại sông Cầu (Bắc Ninh), sông Lô (Phú Thọ), các đối tượng khai thác ngày đêm số lượng lớn gây tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều. 

Một vụ việc khai thác cát trái phép trên sông bằng những ghe bơm, hút, vận chuyển công suất lớn được lực lượng CSMT Đồng Nai phát hiện trong năm 2020.

Hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia. Điển hình là vụ việc phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ bắt giữ 21 container chứa 380 tấn quặng không có nguồn gốc, trị giá gần 20 tỷ đồng… 

Kết quả trên đã góp phần kiềm chế sự gia tăng và từng bước đẩy lùi, ngăn chặn hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép, cơ bản không còn tình trạng băng ổ nhóm bảo kê, các đối tượng “xã hội đen” chủ mưu, cầm đầu hoạt động khai thác cát trái phép và không còn diễn ra trắng trợn như trước. 

Theo Đại tá Lê Thơm, công tác đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cũng gặp một số khó khăn nhất định như: hệ thống văn bản pháp luật, các quy định có liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, dẫn đến hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật này còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngoài ra, mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra còn khó khăn, tính thống nhất chưa cao, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý chưa triệt để.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đòi hỏi sự tham gia và phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị. Cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp, từng địa phương đặc biệt cấp cơ sở, nhất là địa phương, cấp trực tiếp, thường xuyên để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản và vi phạm hành lang đê điều, lòng sông, góp phần răn đe tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến vi phạm lĩnh vực này.

H.Nga
.
.