Những trinh sát chuyên "giải cứu ông ba mươi"

Thứ Sáu, 29/01/2010, 15:41
Những người làm nhiệm vụ đặc biệt đó là các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát môi trường (PC 36), Công an TP Hà Nội. Suốt 2 năm qua kể từ ngày Phòng PC 36, Công an TP Hà Nội được thành lập, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển hổ đông lạnh bị triệt phá, nhiều con hổ sống đã được các anh giải cứu. Chính bởi những thành tích đặc biệt đó mà nhiều người đã gọi các anh với cái tên trìu mến: "Những người chuyên giải cứu ông ba mươi".

Giải cứu hổ sống giữa Hà Nội

Nhiều lần may mắn được theo các trinh sát, điều tra viên PC 36, Công an TP Hà Nội đi đánh án, bóc gỡ các đường dây buôn bán, vận chuyển hổ, nên chúng tôi đã ghi lại được nhiều vụ án hay với những tình tiết phá án nghẹt thở. Hôm nay, khi thời khắc đầu tiên của năm Canh Dần gõ cửa, chúng tôi muốn chia sẻ để mọi người cùng hiểu thêm về công việc đặc biệt của các anh.

Còn nhớ, vào đầu năm 2008, nhiều người xôn xao về thông tin, có một "lò" nấu cao lớn giữa lòng Hà Nội. Ở lò này, khách có thể đặt hàng mua cao hổ với số lượng tuỳ theo yêu cầu. Từ thông tin đó, các trinh sát PC 36, Công an Hà Nội đã điều tra và được biết, không chỉ có chuyên nấu cao, buôn bán hổ trái phép, những đối tượng cầm đầu còn ngang nhiên xây chuồng để nuôi hổ giữa lòng Hà Nội.

Đó là hai cái lồng sắt lớn được đặt giữa khoảng vườn rộng um tùm, xung quanh là tường bê tông bao kín ở khu Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trong hai cái lồng sắt đó là 2 con hổ con, mỗi con chừng 50kg. Hằng sáng, một người được thuê trông coi ở đây vẫn ra chợ mua nhiều thịt bò, gà, lợn… về để làm thức ăn cho 2 vị chúa tể sơn lâm.

Phải mất rất nhiều thời gian, qua hàng tháng trời điều tra trinh sát, cuối cùng tổ công tác PC 36, Công an TP Hà Nội mới điều tra ra được sự thật ẩn trong khu vườn um tùm kia. Được biết, người thuê nhốt 2 con hổ này là trùm buôn bán xương hổ có máu mặt ở Hà Nội. Đó là Nguyễn Thúy Mùi, trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội.

Một chiều đầu tháng 1/2008, khi hay tin các đối tượng chuẩn bị chuyển 2 con hổ đến điểm nấu cao, các trinh sát Đội 2.1, PC 36, Công an TP Hà Nội cũng sẵn sàng mọi phương án và lên đường. Khi đến thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, tổ công tác phát hiện chiếc xe Zace BKS 29X - 5613 có nhiều nghi vấn đang phóng vun vút nên đã ra hiệu lệnh dừng xe.

Tuy nhiên, chiếc xe đã bỏ chạy, những người trên xe tỏ thái độ chống đối quyết liệt. Khi giữ được chiếc xe và tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện ghế sau của xe có 2 con hổ bị tiêm thuốc mê được bọc trong 2 bao tải màu đen.

Hai chú hổ bị tiêm thuốc mê và được giải cứu hồi tháng 1/2008.

Chủ của số hổ trên là Nguyễn Thúy Mùi khai nhận, 6 tháng trước chị ta đã mua 2 con hổ này khi chúng còn nhỏ, trọng lượng 8kg, giờ đây, khi mỗi con đã nặng 50kg, chị ta bán lại cho Nguyễn Quốc Trượng, trú tại phố Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội với giá 320 triệu đồng.

Ngay sau đó, lệnh khám xét nhà của hai đối tượng Mùi và Trượng đã được triển khai. Tại đây, tổ công tác phát hiện 200 bánh cao hổ, khỉ, gấu, 7 con gấu, 4 con hổ đông lạnh, 2 báo gấm nhồi bông, 1 hổ nhồi bông, 1 bộ ngà voi, 1 tủ bảo ôn chứa các loại thịt thú rừng quý, trong đó có cả tê tê non… với số lượng lớn. Đặc biệt, tại nhà của Nguyễn Quốc Trượng, tổ công tác còn phát hiện có 2 lò nấu cao cỡ lớn.

Trượng khai nhận, toàn bộ số hàng xương, móng, vuốt động vật hoang dã có tại nhà anh ta đều được vận chuyển ra từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Ngay trong ngày hôm đó, 2 con hổ đã được chuyển về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội…     

Một ngày nắng hiếm hoi giáp Tết Canh Dần, cùng với tổ công tác PC 36, Công an Hà Nội, chúng tôi đã lên Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn để gặp lại 2 chúa sơn lâm được giải cứu hồi năm ngoái.

Mới qua một năm mà 2 chú trông phổng phao khác hẳn. Lần đó, khi bị phát hiện thì chúng còn nhỏ, đang trong tình trạng bị dính thuốc mê, đờ đẫn nằm ở ghế sau của xe ôtô. Bây giờ, có chú đã nặng 2,3 tạ; chú kia 1,6 tạ, trông chú nào cũng ra dáng một thanh niên với những bước sải dũng mãnh, cái quất đuôi mạnh mẽ đầy quyền uy cùng bộ lông mượt như nhung gấm.

Khi nhìn thấy hình ảnh đẹp đó, trong đôi mắt của các cán bộ chiến sỹ PC 36, Công an TP Hà Nội đều ánh lên sự hạnh phúc. Trung tá Nguyễn Trọng Quyến, Đội phó Đội 2.1, PC 36, Công an TP Hà Nội - đơn vị chủ công giải cứu 2 chú hổ, khi nhắc lại vụ án này vẫn còn nguyên giọng sôi nổi.

Anh bảo, việc giải cứu 2 con hổ sống thực sự có ý nghĩa với các anh em trong đơn vị, ai cũng thấy hạnh phúc như vừa giải cứu thành công một con tin bị bắt cóc vậy…--PageBreak--

Bảo vệ hổ, lộ mặt beo

Không chỉ giải cứu những chú hổ sống, triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển hổ đông lạnh, những cán bộ chiến sỹ PC 36, Công an TP Hà Nội còn được đánh giá là những chuyên gia cừ khôi trong việc lật tẩy những mánh khoé trong hoạt động kinh doanh hổ của những đối tượng phạm tội.

Trong lần triệt phá vụ vận chuyển 2 cá thể hổ từ Thanh Hoá ra Hà Nội hồi cuối tháng 10/2009, do một nhóm đối tượng ở các tỉnh Tây Ninh, Thanh Hoá, Hà Nội hoạt động, tổ công tác PC 36, Công an TP Hà Nội đã lật tẩy mánh khoé giả hổ để kiếm bạc triệu của những đối tượng trong đường dây.

Cũng phải nói thêm, để phát hiện đường dây vận chuyển hổ đông lạnh này, các trinh sát Đội 2.1, PC 36, Công an TP Hà Nội đã dày công lăn lộn khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để lần tìm manh mối buôn bán. Có một thời gian các anh mất ngủ thường xuyên, ăn qua quít cho xong bữa, nay tỉnh này, mai tỉnh khác hết sức vất vả. Nhưng cũng chính từ những lần lăn lộn địa bàn mà các anh đã trang bị cho mình được nhiều kiến thức quý giá cho việc đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển hổ.

Lần đó, khi bắt quả tang nhóm đối tượng vận chuyển 2 cá thể hổ đông lạnh trên chiếc taxi BKS 30P-6679, tổ công tác đã phát hiện 1 con trong số đó là beo lửa được làm giả hổ. Được biết, mỗi kilogam hổ được giao dịch với giá 3,5 triệu đồng, nhưng beo lửa chỉ có giá là 500.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, nhóm đối tượng này đã rất chuyên nghiệp khi "hoá trang" con beo lửa này giống y chang con hổ để qua mặt các đối tượng buôn bán có máu mặt. Chính vì vậy, khi con beo lửa bị tổ công tác lật tẩy, chính những đối tượng mua hàng mới vỡ lẽ. Beo lửa có hình dáng bên ngoài khá giống với hổ, tuy nhiên, do màu lông, cấu trúc mặt và một vài đặc điểm khác, nên các đối tượng đã sử dụng một vài tiểu xảo khi cấy lông, sửa sang một vài chi tiết "mặt tiền" là mọi việc hoàn tất.

Trung tá Quyến còn bật mí, ngoài chuyện beo giả hổ, các đối tượng còn làm giả nhiều bộ phận xương của hổ để bán giá hời. Ví như chúng làm giả xương bánh chè của gấu, báo. Thậm chí, để tăng thêm cân nặng của các bộ xương nhằm kiếm thêm tiền của khách, các đối tượng còn giở trò bơm… chì vào các ống xương. Và tất nhiên, nếu khách hàng không tinh ý thì chắc chắn bị dính phải những quả lừa đậm; và khi nấu cao sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Những lần đi theo các anh, có một điều chúng tôi luôn ghi nhận, đó là niềm đau đáu yêu nghề của từng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị.

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường trong sạch, đấu tranh với những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hay cứu những con sông đang bị bức tử…, thì cuộc chiến với sự sống còn của những chú hổ luôn được các chiến sỹ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Có một cán bộ của Phòng đã nói vui với chúng tôi, các anh yêu công việc một phần là bởi có tình cảm đặc biệt với loài chúa sơn lâm, bởi tính cách của chúng là yêu - ghét rõ ràng. Và tình yêu các anh dành cho những mãnh chúa rừng xanh là tình yêu không toan tính, vụ lợi. Với tình yêu đó, họ sẵn sàng làm mọi việc, dám chiến đấu tới cùng để bảo vệ sự sống còn của loài hổ đang đứng trước nguy cơ bị diệt chủng

Hương Giang (CAND Tết 2010)
.
.