Nhiều mô hình hay trong công tác cai nghiện ma túy
- Cho phép cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân được cai nghiện tự nguyện
- Làm gì để tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy?
- Còn nhiều khó khăn trong cai nghiện ma túy và chữa bệnh cho người tâm thần
Thời gian qua, cùng với việc đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, với phương châm “giảm cầu để cắt cung”, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương, ngành chức năng liên quan xây dựng và nhân rộng các mô hình hay trong công tác cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, góp phần hạn chế tình trạng gia tăng phức tạp người sử dụng và nghiện ma tuý trong cộng đồng…
Theo thống kê của Công an TP Đà Nẵng, đến hết năm 2019, tổng số người nghiện, người sử dụng ma tuý có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố gần 3.500 người (tăng 42% so với năm 2014). Trong đó, số người nghiện phạm tội đang bị tạm giam, tạm giữ chiếm tỷ lệ khá cao (hơn 25%), hầu hết trong độ tuổi 18 đến 30 (chiếm gần 80%).
Tình trạng các đối tượng lợi dụng khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quan bar, karaoke… để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp ngày càng tăng, chiếm 84%, làm cho số người nghiện mới, tái nghiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghiện (nghiện mới hơn 60%, tái nghiện gần 40%, số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm tỷ lệ hơn 30%).
Thực trạng người nghiện ma túy, nhất là giới trẻ còn rất phức tạp. |
Trước thực trạng trên, nếu không có biện pháp quản lý, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý thì tình hình ANTT có nguy cơ ngày càng phức tạp.
Nhận thức được vấn đề, những năm qua, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tổ chức quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn TP Đà Nẵng luôn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt.
Các ban, ngành địa phương tích cực vận động người nghiện, người sử dụng ma tuý tham gia các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc theo các mô hình thân thiện, bước đầu có sự chuyển biến.
Một trong số những mô hình đem lại hiệu quả khá tích cực, được duy trì trong nhiều năm qua là mô hình hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu niên từng sử dụng trái phép chất ma túy không nghiện ma túy.
Với mô hình này, kể từ năm 2015, TP Đà Nẵng triển khai thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu được phát hiện với mức hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng/em, qua đó phân công hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên trực tiếp theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ.
“Với mô hình này, cấp uỷ, chính quyền địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phân công, giao cho từng hội, đoàn thể phối hợp với Công an, ngành LĐ-TB&XH cùng UBND các địa phương nhận kèm cặp, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng ma tuý với những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực như trực tiếp đến tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân, xác định nhu cầu hỗ trợ; vận động gia đình và bản thân người sử dụng, người nghiện hợp tác; hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, gặp gỡ, động viên, thường xuyên giúp đỡ các em trong những lúc khó khăn. Quá trình triển khai thực hiện đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực”, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết…
Thực tế, trong 73 em được hỗ trợ, giúp đỡ năm 2016 có 69 em tiến bộ, 60 em có việc làm; 81 em năm 2017 có 77 em tiến bộ, 64 em có việc làm; trong 119 em cảm hóa, giáo dục năm 2018 có 84 em tiến bộ, có việc làm 71 em; năm 2019 có 96 em đang được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ...
Ngoài những đối tượng thành phố giao cho các hội, đoàn thể, qua 2 năm 2016-2017, UBND các quận, huyện đã mở rộng thêm 255 em, với kinh phí thực hiện 245 triệu đồng, kết quả có 151 em tiến bộ (chiếm hơn 58%), có việc làm 131 em (chiếm hơn 51%); năm 2018 mở rộng thêm 104 em, có 60 em tiến bộ; năm 2019 mở rộng thêm 65 em và đang tiếp tục cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ các em.
Cùng với với việc lựa chọn đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bất lực trong việc quản lý, giáo dục, phó mặc cho xã hội để đề nghị các hội, đoàn thể nhận cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ, TP Đà Nẵng còn triển khai mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma tuý” tại 6 phường trọng điểm trên địa bàn có nhiều thanh thiếu niên sử dụng trái phép ma tuý.
“Mô hình này tập hợp tất cả thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn vào sinh hoạt trong câu lạc bộ, với nhiều chương trình sinh hoạt giao lưu, tham quan, tập huấn kỹ năng sống, hoạt động từ thiện mang tính giáo dục cao. Qua đó, tốc độ gia tăng người nghiện mới tại các địa phương được hạn chế, số thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý bị phát hiện lần đầu giảm”, bà Phạm Thị Sen, Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội bày tỏ.
Theo bà Sen, sau hơn 3 năm triển khai mô hình đã thu hút 224 hội viên tham gia. Các em được giúp đỡ bằng nhiều hình thức, trong đó có 22 em được hỗ trợ học nghề, học văn hoá, 4 em được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, 49 em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 164 em được giới thiệu việc làm và 10 em được động viên trở lại lớp học. Đến nay, qua xếp loại định kỳ có 176 em tiến bộ.
Một trong những mô hình được cả nước biết đến như một điểm sáng của TP Đà Nẵng là mô hình “Quỹ giải quyết việc làm cho đối tượng từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành hình phạt trở về”, hay còn gọi là “Quỹ hoàn lương” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức. Nhằm tạo điều kiện để những đối tượng từng vi phạm pháp luật có vốn làm ăn, làm lại cuộc đời, từ năm 2011 đến nay, nguồn Quỹ này đã giải quyết thủ tục cho 1.127 lượt người vay với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Đại tá Lê Quốc Dân, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khẳng định: “Đa số những người vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu giúp ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng tốt hơn, trong đó có nhiều người vay đã trả được vốn và có nguyện vọng vay tiếp để phát triển kinh tế”.
Đồng thời nhìn nhận, không có công ăn việc làm, không ổn định được cuộc sống thì họ rất dễ tái phạm tội. Vì vậy, tạo điều kiện cho họ có việc làm, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề là giải pháp căn cơ, lâu dài, khi ấy tỷ lệ tái phạm tội mới giảm…
Có thể khẳng định, với sự chung tay của các cấp, các ngành và sự vào cuộc quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ nêu trên, việc cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng ma tuý tại Đà Nẵng là một hướng đi tốt, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng TP Đà Nẵng an bình, đáng sống.