Nhiều địa phương làm tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Thứ Sáu, 15/05/2020, 07:43
Xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là một trong những xã triển khai thực hiện có hiệu quả đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT).

Thiếu tá Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng Công an xã Quảng Tân cho biết: Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Công an xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức đã tranh thủ những người có uy tín đến tận từng nhà, từng khu dân cư để tuyên truyền về tác hại của việc tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT và phổ biến các văn bản của pháp luật về việc quản lý, sử dụng các loại VK, VLN, CCHT nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương. 

Với những cách làm đó, trong 20 ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, Công an xã Quảng Tân đã thu hồi được 12 súng tự chế các loại, trong đó, người dân tự nguyện giao nộp 10 súng tự chế và thông qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng Công an phát hiện, thu giữ 2 súng tự chế.

Tương tự, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phượng, sau 20 ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, Công an xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã thu hồi được 5 súng tự chế, 1 quả bom. 

Đại úy Trần Văn Dũng – Trưởng Công an xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết nhờ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, cũng như những tác hại của việc tàng trữ vũ khí cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Từ chỗ hiểu rõ việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, súng đạn là vi phạm pháp luật và nguy hiểm cho bản thân, gia đình, người thân mà người dân trong xã đã tự giác mang súng đến trụ sở giao nộp cho lực lượng Công an.

Công an huyện Tuy Đức bắt, xử lý 4 vụ mua bán linh kiện súng tự chế.

Tuy Đức là huyện biên giới có địa bàn rộng, thành phần dân cư đa dạng, nhiều bà con dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn, sinh sống, có tập tục sử dụng súng tự chế để săn bắn và bảo vệ mùa màng. Trong đó, một số người thiếu hiểu biết về tác hại, sự nguy hiểm của vũ khí tự chế nên vẫn lén lút sử dụng trái phép dẫn đến hậu quả khôn lường. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện Tuy Đức đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ 4 vụ, 4 đối tượng mua bán linh kiện súng tự chế, thu giữ nhiều linh kiện súng tự chế. Các đối tượng mua linh kiện súng tự chế mang về lắp ráp thành súng tự chế để sử dụng vào mục đích săn bắn. 

Xác định rõ vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, thời gian qua Công an huyện Tuy Đức đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, qua đó góp phần tạo chuyển biến về nhận thức trong quần chúng nhân dân về thực hiện nhiệm vụ này.

Trung tá Cao Xuân Thủy – Phó trưởng Công an huyện Tuy Đức cho biết, chỉ tính riêng trong 20 ngày thực hiện đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp và  đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Tuy Đức đã thu hồi và tuyên truyền, vận động người dân giao nộp được 46 súng tự chế các loại và 1 quả bom cùng nhiều linh kiện súng tự chế, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Hậu Giang là đơn vị chủ công trong công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Thời gian qua, công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ luôn được thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ. 

Trung tá Ngô Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng cho biết, qua 2 đợt cao điểm thực hiện, đơn vị xác định mục tiêu, tuyến địa bàn trọng điểm. Trong đó, chú trọng phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương đi sâu công tác tuyên truyền, vận động, thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị, tồn sót sau chiến tranh nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra, nhất là tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Vị Thanh là thành phố trung tâm của tỉnh Hậu Giang. Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.  

Thiếu tá Phạm Thị Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Vị Thanh chia sẻ: “Đối với các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy Công an thành phố chỉ đạo thành lập các Tổ công tác phối, kết hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, buộc chủ các cơ sở không thu mua vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Trong quá trình thu mua phát hiện phải báo cơ quan chức năng để có biện pháp thu hồi. Còn đối với các cơ sở lò rèn, thì tập trung tuyên truyền, vận động không sản xuất các loại vũ khí thô sơ như mã tấu, gươm, kiếm, dao găm, đồng thời cho các cơ sở cam kết thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật”.

Theo Đội đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Hậu Giang từ khi thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 1/7/2018, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã vận động thu hồi 8 súng quân dụng do cán bộ hưu trí giao nộp và 3 đầu đạn 105mm do chiến tranh còn sót lại, 2 gậy điện, 1 bình xịt hơi cay, 1 cây kiếm và 1 cây đao. 

Qua đó xử lý 2 vụ, 2 đối tượng tàng trữ vũ khí thô sơ, phạt với số tiền 30 triệu đồng… Ngoài ra qua công tác phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ sau khi kiểm tra bưu phẩm, bưu kiện phát hiện 3 trường hợp mua vũ khí thô sơ, đã thu giữ 3 gậy ba-ton…

Minh Quỳnh- Trần Lĩnh
.
.